MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non gặp nhiều áp lực trong công việc (ảnh minh họa). Ảnh: Quế Chi

Mong giáo viên mầm non được đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Tất Thảo LDO | 02/08/2023 08:14

Tại Diễn đàn người lao động năm 2023 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Đề xuất này được nhiều người trong cuộc là các giáo viên mầm non đồng tình, ủng hộ.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh - Giáo viên mầm non tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - so sánh: Nếu như công nhân làm việc trong công ty phải chịu nhiều áp lực về sản lượng, có thể tiếp xúc với môi trường, hóa chất độc hại, thì các giáo viên mầm non cũng phải chịu nhiều áp lực trong môi trường làm việc đặc thù.

Theo chị Vân Anh, giáo viên mầm non phải thường xuyên nghe tiếng ồn từ tiếng khóc của trẻ. Nhiều trẻ, nhất là những em mới đi học, thường khóc rất nhiều.

“Giáo viên các cấp trên có thể chuyển tải thông tin qua phấn, bảng, còn đối với cấp mầm non, các cô giáo chỉ có thể giao tiếp bằng cách nói với các cháu” - chị Vân Anh nói.

Theo nữ giáo viên này, do các cháu còn bé nên các cô phải lo cho các cháu nhiều thứ, từ ăn uống, cho các cháu đi ngủ đến đi vệ sinh...

“Giờ đón các cháu là 7 giờ sáng thì chúng tôi phải đến trước đó 1 tiếng để mở cửa cho thoáng khí. Vào buổi chiều, đến 17 giờ tan học, nhưng nhiều phụ huynh bận làm nên vẫn tiếp tục gửi con thêm, do vậy giáo viên phải làm việc đến 18 giờ” - chị Vân Anh nói.

Ở góc độ khác, chị Nguyễn Thị Tân (tên nhân vật đã thay đổi, giáo viên mầm non tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh về ảnh hưởng đến tâm lý của nghề này đối với các giáo viên.

“Phụ huynh luôn có tâm lý lo lắng cho con, nên chỉ cần con có điều gì hơi khác một chút đối với con mình là họ lại đặt câu hỏi với giáo viên, như: Tại sao cứ về đến nhà cháu mới đi vệ sinh, có phải vì các cháu sợ khi ở lớp? Hoặc tại sao về nhà cháu ăn nhiều, có phải tại vì ở lớp cháu không được cho ăn đầy đủ… Rất nhiều thắc mắc của phụ huynh đặt ra với các cô giáo. Về lâu dài, những câu hỏi này có thể gây ra căng thẳng tâm lý cho các cô” - theo chị Tân.

Chị Tân kể thêm, có lần hai cháu ngồi ở bên cạnh nô đùa, cắn nhau gây sứt sát. Điều này xảy ra rất nhanh, nên các cô rất khó phản ứng, can thiệp. Khi phụ huynh đến đón, các cô đã giải thích là các cháu nô đùa, mong phụ huynh thông cảm.

“Có phụ huynh hiểu thì thông cảm, nhưng có phụ huynh bỏ qua, làm lớn chuyện, đưa lên các diễn đàn, mạng xã hội, phản ánh lên hiệu trường. Những lúc này giáo viên là người bị áp lực, căng thẳng nhất” - chị Tân nói.

Không chỉ vậy, tại các trường tư thục thường có camera. Nhiều phụ huynh có thói quen theo dõi thường xuyên tình hình các con, nên các cô luôn trong trình trạng căng thẳng.

“Tôi rất mong giáo viên mầm non được coi là nghề nặng nhọc độc hại để chúng tôi được thêm chế độ, chính sách bù vào những thiệt thòi” - chị Tân chia sẻ.

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các quyền lợi khác so với nghề thông thường về nghỉ hàng năm; thời gian hưởng chế độ ốm đau; được hưởng phụ cấp hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu được coi là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn