MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường THPT Yên Dũng 3 (Bắc Giang) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thiều Trang

Mong muốn các trường đại học xét tuyển công bằng cho thí sinh thi đợt 2

Thiều Trang LDO | 07/06/2021 21:59

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có phương án sẵn sàng cho việc tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh vùng dịch mong muốn các trường đại học điều chỉnh phương án và chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2.

"Hiện tại có quá nhiều áp lực"

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, học sinh nhiều địa phương trên cả nước phải đón năm học mới bằng buổi khai giảng online, thi học kỳ trực tuyến và chấp nhận bế giảng một mình. Đặc biệt, nhiều sĩ tử lớp 12 đang ôn luyện cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT trong tâm trạng bất an.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi tiếp nhận thông tin có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm 2 đợt, Nguyễn Hữu Phước - học sinh lớp 12 - Trường THPT Yên Phong 1 (Bắc Ninh) vẫn tỏ ra lo lắng. Nam sinh cho biết, đây là giai đoạn nước rút trong quá trình luyện thi của mình nên có nhiều áp lực về tâm lý.

"Chúng em không được ra ngoài, không được gặp thầy cô, toàn bộ các buổi ôn luyện đều thực hiện dưới hình thức online. Thật sự em rất lo lắng, hiện tại chỉ toàn là áp lực. Nghĩ đến cảnh các bạn trên cả nước đang thi còn mình thì ngồi nhà thấp thỏm chờ đợi cũng đủ áp lực rồi" - Phước bày tỏ.

Cùng tâm trạng với nam sinh, Tạ Thị Mùi - học sinh lớp 12 - Trường THPT Kinh Bắc (Bắc Ninh) cũng tỏ ra lo lắng về kế hoạch thi Tốt nghiệp THPT ở địa phương. Nữ sinh cho biết mình vừa trở về từ khu cách ly, hiện tại tình hình sức khỏe đã ổn định.

"Chúng em đang ôn thi Tốt nghiệp THPT bằng hình thức online. Hiện tại sức khỏe của em tốt, đảm bảo tham gia kỳ thi. Em hi vọng dịch chóng qua để kỳ thi giữ ổn định, chúng em không phải ôn tập trong lo lắng vì thi đợt 2" - nữ sinh chia sẻ.

Mong muốn trường đại học dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt sau

Năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh/thành trên cả nước phải tổ chức thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lo lắng lịch sử lặp lại, nhiều sĩ tử tại Bắc Giang mong ngóng không biết khi nào mới hết dịch, lo thi sau sẽ thiệt thòi khi xét tuyển đại học.

Phạm Thị Ngọc Huyền - học sinh lớp 12 - Trường THPT Việt Yên 1 (Bắc Giang) cho biết, hiện tại học sinh toàn khối đang ôn thi bằng hình thức online. Nhà trường cũng tạo điều kiện bằng cách mở nhiều buổi học online để giúp học sinh ôn tập.

Tuy nhiên, nơi Huyền sinh sống hiện đang thực hiện giãn cách nên khả năng phải lùi lịch thi Tốt nghiệp THPT là rất cao. Nữ sinh tỏ ra lo lắng về phương án tuyển sinh của các trường đại học, sợ thiệt thòi khi xét tuyển sau.

"Nếu các bạn đợt 1 thi xong, các trường Đại học đã tuyển đủ chỉ tiêu thì những thí sinh thi đợt 2 như chúng em có còn cơ hội không? Nếu còn cơ hội thì điểm trúng tuyển đợt 2 có cao hơn đợt 1 không?

Vì vậy, em mong rằng, các trường có phương án tuyển sinh với những thí sinh thi sau, có chỉ tiêu riêng để đảm bảo công bằng cho thí sinh nếu phải thi đợt 2" - Huyền mong muốn.

Bày tỏ sự lo lắng về việc ôn thi trực tuyến không hiệu quả bằng trực tiếp, Thân Thị Huệ - học sinh lớp 12 - Trường THPT Việt Yên 1 (Bắc Giang) cho rằng, việc kéo dài thời gian chỉ khiến học sinh căng thẳng và áp lực.

"Nếu phải thi đợt 2, điều em mong muốn nhất là đề thi sẽ có cấu trúc và độ khó như nhau. Đặc biệt, các trường Đại học có cơ chế riêng, dành chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh thi đợt 2, đảm bảo tuyển sinh công bằng để chúng em có cơ hội vào ngôi trường mong ước" - Huệ bày tỏ.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc tổ chức thi làm 2 đợt sẽ không công bằng, vì thí sinh phải thi đợt 2 có thể bị ảnh hưởng đến việc thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) - cho biết sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh về phương thức, thời gian chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh xét tuyển vào đại học cao đẳng bằng cách sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bằng nhiều đợt khác nhau.

Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ xây dựng đề thi cho các đợt thi khác nhau này bảo đảm sự tương đồng về độ khó, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh dự thi trong các đợt thi khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn