MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên miệt mài hướng dẫn học sinh vùng cao học bài. Ảnh: Đinh Đại

Một ngày cùng giáo viên vùng cao Hòa Bình bám trường gieo con chữ

Đinh Đại LDO | 11/12/2023 16:02

Bên cạnh việc phải vượt quãng đường đầy khó khăn, vất vả để đem con chữ đến với học sinh, các giáo viên vùng cao ở những trường bán trú còn đóng vai trò như bậc cha mẹ để chăm sóc và thấu hiểu các em.

Đường đến trường gian nan, vất vả

Trong những ngày đầu đông giá rét của tháng 12, PV Báo Lao Động đã có mặt tại một số trường học bán trú trên địa bàn huyện Đà Bắc để tìm hiểu về hành trình mang con chữ lên vùng cao của các thầy cô nơi đây.

Trường Phổ thông DTBT THCS Tân Minh nằm ở một xã nghèo của huyện vùng cao Đà Bắc với đa phần dân số là dân tộc Tày. Đây là nơi theo học của 236 học sinh, trong đó có 130 em đang ở bán trú.

Trường Phổ thông DTBT THCS Tân Minh, nơi theo học của hơn 230 học sinh và chủ yếu là dân tộc Tày. Ảnh: Đinh Đại

Là người đi làm xa nhất của Trường Phổ thông DTBT THCS Tân Minh, cô giáo Nguyễn Hà Vân chia sẻ - hàng ngày phải dậy đi làm từ 5h sáng, mất khoảng 2 giờ di chuyển bằng xe máy quãng đường hơn 60km đầy những khúc cua, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ thị trấn Cao Phong để đến trường học tại xã Tân Minh.

“Dù vất vả nhưng do yêu trẻ, yêu nghề và vì cuộc sống nên vẫn cứ đi. Đôi khi còn cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều người khác và chưa thấy chán ngày nào”, cô Vân nói.

Con đường đi dạy của các thầy cô vốn xa xôi lại thêm phần khó khăn khi thời tiết mưa gió. Ảnh: Đinh Đại

Do đặc thù công việc nên thường xuyên phải ở lại trực đêm, thầy Phạm Đức Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “5h30 sáng hàng ngày, các thầy cô sẽ phải đi gõ cửa từng phòng để đánh thức các em học sinh dậy. Sau đó đốc thúc các em tập thể dục, ăn sáng và 7h30 lên lớp học”.

Theo thầy Hùng, công việc của các giáo viên mỗi ngày đều lặp lại như vậy. Thầy cô nào có lịch trực thì sẽ phân công nhau buổi sáng khi đi làm thì tiện đi chợ mua nguyên liệu nấu ăn. Ai không có lịch trực thì hết giờ dạy sẽ về nhà.

Các thầy cô sẽ chia cơm cho từng học sinh tại trường. Ảnh: Đinh Đại

Trường học như gia đình, thầy cô như cha mẹ

Thầy Phạm Quí Thái - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Tân Minh cho biết: “Trường có 26 giáo viên đang công tác. Mỗi ngày, để tiện cho việc quản lý và chăm lo cho học sinh, trường sẽ phân công 3 giáo viên cùng 1 cán bộ quản lý ở lại trực đêm.

Những học sinh đủ điều kiện sẽ được nhà trường bố trí ở ký túc xá. Các giáo viên cũng được sắp xếp cạnh ký túc xá để tiện nắm tình hình và chăm sóc học sinh".

Theo thầy Thái, dù đi lại vất vả nhưng các giáo viên vẫn cố gắng bám trường. Vào dịp đầu năm học, các thầy cô phải đi vào nhà từng em học sinh, đi bộ qua những cây cầu tạm bợ để vận động các em đến trường.

Phải thực sự nhiệt huyết, yêu nghề thì các giáo viên mới có thể vượt xa để đến dạy học. Ảnh: Đinh Đại

Tương tự, Nánh Nghê là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Các thầy cô tại Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Đồng Nghê cũng phải di chuyển quãng đường xa xôi để có thể đi dạy.

Cô Nguyễn Thị Nhiên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Đồng Nghê cho biết: “Có những giáo viên gắn bó với nhà trường, với học trò xã Nánh Nghê từ năm 1997 đến nay như thầy Xa Văn Phanh.

Hay những cô giáo trẻ như cô Bùi Thị Thiên, Lý Thị Lan, Bàn Thị Hải... đã từng là học sinh của trường, nay trở về cống hiến kiến thức mình học được truyền đạt cho các em nhỏ. Các thầy cô đều không ngại xa xôi, vất vả, xa gia đình, con cái… để đến với học trò vùng cao, vì sự nghiệp giáo dục”.

Các thầy cô không quản ngại vất vả đi vào các bản để vận động học sinh tới trường. Ảnh: Đinh Đại

Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Thành - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Đà Bắc thông tin: “Dù khó khăn, vất vả nhưng các thầy giáo, cô giáo vẫn miệt mài bám bản, bám trường vùng cao".

Theo ông Thành, huyện Đà Bắc hiện có 47 trường học các cấp, trong đó có 5 trường học bán trú. Phần lớn các trường đều nằm ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn