MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các em học sinh trường THCS - THPT Phùng Hưng (quận 12, TPHCM). Ảnh: Anh Nhàn

Một ngày ở ngôi trường có 80% học sinh nghiện game

Anh Nhàn - Trần Tuấn LDO | 20/06/2020 06:30

Ở ngôi trường có 80% học sinh nghiện game online, những học sinh từng thâu đêm ngồi bên màn hình máy tính đã "lột xác" thành những người tự tin, tự lập với bao hoài bão thay vì thế giới ảo nhiều cạm bẫy. 

Công cuộc cai nghiện game online

"Đã đến giờ thức giấc. Các em sắp xếp nội vụ sạch sẽ, gọn gàng trước khi đi ăn sáng và đi học".

5h30 những ngày cuối tháng sáu nắng nóng oi bức, khi mặt trời chưa kịp ló rạng, 200 cô cậu học trò ở trường THCS - THPT Phùng Hưng thuộc quận 12 (chi nhánh của Trường phổ thông nội trú IVS, nơi tiếp nhận học sinh nghiện game) đã bật dậy sau khi nghe tiếng loa quen thuộc.

Không ai bảo ai, tất cả tự động xếp mùng mền, chiếu gối ngăn nắp, thay quần áo chuẩn bị một ngày mới ở ngôi trường rộn rã những tiếng cười. Nếu không nói, chắc có lẽ ít ai biết được, 80% trong số những học sinh ở đây đều từng là "game thủ lừng danh" trong các diễn đàn game.

Học sinh bước xuống phòng ăn, thầy giáo Nguyễn Đình Quỳnh (giáo viên quản nhiệm nhà trường) vẫn đứng từ xa "điểm danh ngầm" từng em. Khi các em đã ngay ngắn chỗ ngồi, thầy mới ngồi xuống ăn cùng. Các em bước vào lớp học, thầy Quỳnh cùng 20 giáo viên quản nhiệm khác cũng theo vào lớp, tim thổn thức theo nhịp đập từng bạn.

Khi buổi học văn hoá kết thúc, là lúc thầy trò cùng nhau ôn luyện võ thuật, chơi bóng đá, bóng rổ. 

Đến 18h, các em lên phòng thay phiên nhau đi tắm, rồi tự giặt quần áo. 19h là lúc thầy trò cùng nhau ăn tối. Ăn xong được ra sân hóng mát, nói chuyện phiếm với các bạn hoặc xem tivi, sau đó thì ôn bài. Đúng 22h, học sinh tắt điện đi ngủ.

Lịch trình cứ đều đặn diễn ra hằng ngày như thế tại ngôi trường này. Bài toán để hoá giải những "con nghiện game" chính là kỷ luật thép cộng với tấm lòng yêu thương của các thầy cô giáo. Tất cả đã kéo các em từ thế giới ảo về cuộc đời thực với bao ước mơ, hoài bão. 

Thầy giáo Nguyễn Đình Quỳnh (bên trái ảnh) trong một lần trò chuyện với học sinh. Ảnh: Anh Nhàn 

Thầy cô đã khai sinh ra em lần thứ 2

Nhiều năm gắn bó với học sinh nghiện game, thầy Quỳnh vẫn không quên được những câu chuyện cười ra nước mắt. 

"Là học sinh nghiện game, các em vào đây đa số đều là được bố mẹ "yêu cầu" vào chứ không phải tự động vào. Nên có em bỏ ăn, có em đập phá, có em chống đối dữ dội. Em thì không tự làm vệ sinh cá nhân, phải nhờ các thầy hỗ trợ. Nặng hơn, có học sinh ảo giác xem thầy cô như nhân vật trong game. 

Khi rời xa điện thoại, xa gia đình các em rất cô đơn, nên mỗi người thầy phải vừa làm cha, vừa làm bạn để tỉ tê to nhỏ, từ đó hiểu tâm tư tình cảm và có hướng khuyên giải các em chuyên tâm học tập" - thầy Quỳnh nói. 

Gặp chúng tôi sau buổi học văn hoá, nữ sinh N.T.A.N (17 tuổi, ở TPHCM) nước mắt giàn giụa, tay run run khi nhắc đến những ngày tháng mê game, N kể, những năm học tiểu học em đều là học sinh giỏi. Khi học cấp 2, hằng ngày cứ quẩn quanh đi học ở trường, tới lớp học thêm với đủ thứ môn lại không có ai tâm sự nên N chán nản và tìm đến game. Từ việc tìm game giải trí, N đâm ra nghiện những trò chơi này lúc nào không hay. Đến lúc ba mẹ la mắng, em đã bỏ nhà đi cả tháng trời.

Lúc đầu, khi mới vào trường, N đập phá, la hét rồi cả khóc lóc. Nhưng môi trường nơi đây đã khiến cô nữ sinh như "lột xác" thành người mới. Thành tích học tập của em ngày một khá, mắt đã bớt lờ đờ, nói năng lưu loát và rành rọt, gặp ai cũng vui tươi và lễ phép chào hỏi người lớn. 

Nữ sinh không còn mơ tưởng gì tới game, em tìm tới nhiều hơn đến võ thuật và đọc sách. N biết ơn thầy cô đã "khai sinh" ra mình lần 2, vì "nếu không gặp thầy thì chắc con là trẻ bụi đời rồi". 

Không chỉ riêng nữ sinh N, hàng trăm học sinh tại ngôi trường đặc biệt này đã thoát khỏi những cuộc chơi game thâu đêm suốt sáng. Giờ đây, các em ngoài học văn hoá còn tìm đến võ thuật, yoga, bơi lội và những trò chơi tập thể. Tình bạn, tình thầy trò cứ thế ngày một khắng khít và là hành trang đưa các em vào tương lại rộng mở ở phía trước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn