MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Nghệ An đam mê tìm sách để tự học. Ảnh: Hải Đăng

Mùa Xuân và khát vọng chấn hưng giáo dục

TRẦN HẢI HÀ LDO | 12/02/2024 20:32

"Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội” - mỗi dịp Xuân về, chúng ta lại nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó nhen lên khát vọng và chung tay hành động để chấn hưng giáo dục vì thế hệ trẻ, vì tương lai dân tộc.

Chấn hưng giáo dục, xây dựng một nền giáo dục khoa học, tiên tiến, nhân văn theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã trở thành một yêu cầu tất yếu, một khát vọng thường trực của xã hội.

Chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ khâu quản lý giáo dục, bao gồm pháp luật, cơ chế chính sách về giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Cần xây dựng được hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý giáo dục khoa học, chặt chẽ, hiện đại, ngăn chặn triệt để các hành vi tiêu cực và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động giáo dục tiến bộ, cùng với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trí tuệ, liêm chính, cống hiến.

Chấn hưng giáo dục đồng thời phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Theo Khổng Tử, “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, nghĩa là thầy phải xứng đáng là thầy, trò phải tuân thủ nghĩa vụ của trò. Ngoài việc truyền đạt tri thức cho trò, thầy phải có phẩm chất, tri thức và đạo đức, làm gương cho trò mới dạy được trò.

Về phía quản lý nhà nước, cần có cơ chế để tuyển dụng các học sinh xuất sắc vào trường sư phạm, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhà giáo, có giải pháp cạnh tranh, sa thải kịp thời các nhà giáo yếu kém. Đối với các nhà giáo, cần thường xuyên rèn luyện về phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp, thương yêu, hết lòng vì học sinh, thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp.

Về chương trình giáo dục, cần được xây dựng một cách khoa học, hiện đại, linh hoạt, khắc phục triệt để các hạn chế của phương pháp giáo dục lạc hậu, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.

Học sinh trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) trong một hoạt động ngoại khóa môn Lịch sử. Ảnh: Quang Đại

Tuy nhiên, dù chương trình có hiện đại tới đâu, nền giáo dục cũng cần được xây dựng trên các phẩm chất có tính chất gốc rễ là tình yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, tính trung thực, tính nhân văn, ý thức độc lập tự chủ và nỗ lực sáng tạo không ngừng. Chạy theo thành tích ảo, hư danh, giả dối, vô cảm... giáo dục sẽ tự đánh mất chính mình.

Để chấn hưng giáo dục, không chỉ mỗi cơ quan nhà nước hay bản thân ngành giáo dục phải nỗ lực đổi mới, mà mỗi thành viên trong xã hội đều có trách nhiệm chung tay, góp sức một cách tích cực và kiên trì, vì giáo dục là sự nghiệp chung của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn