MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức lương của kĩ sư ngành chip bán dẫn được đánh giá vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Hải Nguyễn

Mức lương lên tới 10 con số của kĩ sư chip bán dẫn

Trà My LDO | 04/11/2023 20:32

Nhu cầu tuyển dụng ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn cùng mức lương cao là một trong số những lí do để nhiều sinh viên đăng kí ngành học này.

Một chuyên gia công nghệ cho biết, theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam nhập hơn 6 tỉ USD tiền chip hằng năm. Tuy nhiên, không công ty nào trong nước cung cấp được các dòng chip cụ thể.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành chip bán dẫn trong tương lai, công ty sẽ tập trung vào mảng chính là đào tạo đại học và cao đẳng, từ đó cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho các công ty lớn.

Về mảng kỹ sư, sau khi ra trường, sinh viên có thể làm ở các nhà máy sản xuất. Dự định sẽ đào tạo 15.000 sinh viên phục vụ ngành chip bán dẫn tốt nghiệp ra trường từ nay đến năm 2030.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam - cho biết, hiện nhân sự ngành vi mạch, bán dẫn được trả lương theo kinh nghiệm, làm càng lâu, lương càng cao.

Ông Vinh cũng cho hay, hiện có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại TPHCM. Cứ trung bình một công ty mới lập ra thì cần tuyển 50 - 100 kỹ sư trong năm đầu tiên. Dù ở TPHCM, sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, nhưng doanh nghiệp vẫn tuyển không ra người.

Theo anh Lê Thanh Bình - một kĩ sư chip bán dẫn tại công ty ESilicon Vietnam - cho biết, thông thường mức lương của sinh viên mới ra trường ngành chip bán dẫn có thu nhập từ 15 - 18 triệu/tháng. Tuy nhiên, cá nhân nào có kinh nghiệm lâu năm thì mức lương một năm làm việc phải lên tới 10 con số.

"Tuỳ từng vị trí việc làm cụ thể hoặc thời gian làm việc, mức lương của nhân lực ngành bán dẫn sẽ khác nhau. Có những kĩ sư làm lâu năm có thể nhận mức lương lên tới 2 tỉ đồng/năm" - anh Bình cho biết.

Theo thông tin từ Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng năm, trong nước có nhu cầu bổ sung hơn 100.000 nhân lực lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, ngành công nghiệp cần 10.000 kỹ sư nhưng đào tạo nguồn nhân lực chỉ đáp ứng chưa đến 20%.

Tuy nhiên, nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư/năm, thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và nhiều trường đại học tăng quy mô đào tạo khi hàng loạt ông lớn lĩnh vực sản xuất chip có mặt tại Việt Nam, tạo tiềm năng rộng mở cho nhân lực ngành này.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano. Đây là chuyên ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn