MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên mong nghỉ hưu sớm vì không thể cống hiến khi chân mỏi, mắt mờ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Muốn nghỉ hưu sớm, giáo viên phải không hoàn thành nhiệm vụ

Vân Trang LDO | 01/04/2023 19:23

Theo quy định, nếu muốn được về nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, giáo viên phải có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Giáo viên càng nhiều tuổi, học sinh càng chịu thiệt

Ở độ tuổi ngoài 50, nhiều thầy cô giáo than phiền khi sức khoẻ không còn được như mong muốn. Đôi chân đã mỏi mệt mỗi khi đứng trên bực giảng, đôi mắt đã bớt đi nhiều phần tinh anh, tiếp thu công nghệ khó khăn... Áp lực tuổi tác, chuyên môn khiến nhiều giáo viên chật vật xin nghỉ hưu trước tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (51 tuổi) hiện giảng dạy lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng là 1 trong những giáo viên có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. 

Công tác trong ngành giáo dục từ năm 1993, tính đến nay, cô Hương đã tròn 30 năm gắn bó với bục giảng.

Từng ấy năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người, cô Hương phải thừa nhận, sức khoẻ đang dần suy giảm, đem đến nhiều khó khăn mỗi ngày lên lớp. 

"Việc giảng dạy, giáo dục học sinh hiện nay đòi hỏi nhiều đến công nghệ cao. Đến độ tuổi này, chúng tôi hay quên, cập nhật thông tin không nhanh nhẹn như thế hệ trẻ bây giờ. Tôi muốn về hưu trước độ 2 năm để đảm bảo sức khoẻ" - cô Thu Hương chia sẻ. 

Thời điểm tháng 2.2023, cô Lê Thị Hằng - giáo viên môn Toán bậc THCS tại tỉnh Thanh Hoá - nhận được văn bản của UBND huyện, hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế và thông báo lịch thẩm định hồ sơ tinh giản biên chế đợt II năm 2023.

Gắn bó gần 30 năm với ngành giáo dục, bước sang độ tuổi 50, cô Hằng cũng có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm trước 5 năm so với quy định.

“Với lứa tuổi học sinh THCS, các em đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lí, có sự ngang bướng. Tôi lên lớp, ngoài giảng dạy chuyên môn, còn có trách nhiệm các uốn nắn, dạy dỗ học sinh hình thành nhân cách. Nhiều lúc áp lực, học sinh ngang bướng không nghe lời chỉ muốn buông xuôi. Nhưng thương học trò, lại cố gắng lên lớp.

Có đồng nghiệp khuyên tôi nên cố thêm vài năm nữa, lương sẽ cao hơn. Nhưng bản thân cũng tự cảm thấy độ tuổi này "mắt mờ, chân chậm", học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nên tôi quyết định nghỉ hưu sớm, nhường cơ hội cho lớp trẻ" - cô Hằng giãi bày.

Kiến nghị cơ chế riêng

Dù đang trong giai đoạn thực hiện hồ sơ, nhưng điều khiến cô Hằng cùng các đồng nghiệp băn khoăn là để được xét nghỉ hưu theo Nghị định 143, cần thỏa mãn điều kiện: Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

“Là giáo viên, chẳng ai mong muốn mình… không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ hưu sớm. Đây là điều khó khăn, vướng mắc đối với giáo viên chúng tôi trong việc hoàn thiện hồ sơ nếu có nguyện vọng nghỉ hưu sớm” - cô Hằng nói.

Bên cạnh đó, giáo viên này cũng kiến nghị cần thay đổi độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên. Cụ thể, thay vì tuổi nghỉ hưu cố định, có thể thay bằng khoảng tuổi nghỉ hưu.

"Với những vị trí như lãnh đạo, họ không phải trực tiếp tiếp xúc với học sinh mỗi ngày, thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nhưng với những giáo viên môn chính như tôi hay giáo viên mầm non, tiểu học, thì độ tuổi nghỉ hưu nên rút ngắn hơn so với quy định hiện nay" - cô Hằng phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn