MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Dương Trung Quốc đặt ra bài toán thực tiễn khi xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất là giữa chất lượng phù hợp với đãi ngộ cần tương xứng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Muốn tăng lương giáo viên phải quy định sự tương xứng về trình độ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/03/2018 18:30

Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về vấn đề giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của hệ thống hành chính sự nghiệp.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng việc đãi ngộ tốt cho giáo viên hết sức quan trọng bởi việc này tương xứng với vị thế quan trọng của giáo viên trong giáo dục và của giáo dục đối với sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ dùng chữ “cao nhất” thì rất khó để định lượng. Vì xã hội sẽ phát triển rất phong phú và sẽ có những ngành nghề khác ra đời, nếu để nhất thì sẽ làm thế nào? – ông Quốc đặt câu hỏi.

Đồng thời, ông Quốc đề xuất: “Chúng ta nên đề là “cao” còn cao bao nhiêu thì cần phải bàn kĩ trên cơ sở có việc đánh giá vị thế của ngành giáo dục, của giáo viên và thực tiễn của tài chính quốc gia. Nếu ta đề là “cao nhất” thì có những ngành nghề mới đặc thù, đặc biệt thì ta phải làm sao?

Thực tiễn cũng vậy. Lương giáo viên liệu có thể cao hơn lương của Chủ tịch Nước được hay không? – chắc chắn là không. Vậy thì đặt từ “cao nhất” cũng là không hợp lí”, ông Quốc lập luận.

Mặt khác, vị ĐBQH này chỉ ra một thực tế: Ai cũng biết vì đãi ngộ giáo viên thấp nên không có nhiều người giỏi vào sư phạm. Thế nhưng, nếu chỉ giải quyết câu chuyện là lương cao nhất, có thu hút được người giỏi không?

Bên cạnh đó, qua quá nhiều năm không đãi ngộ thích hợp cho giáo viên nên chúng ta đang có một lực lượng lớn giáo viên không thực sự giỏi. Vậy, quy định lương cao nhất, những người không giỏi cũng được hưởng như vậy sao? Đây vẫn là bài toán kinh điển mà khó tìm ra câu trả lời hợp lí giống như bài toán giữa quả trứng và con gà, cái gì có trước – ông Quốc ví von.

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Báo Đồng Nai

Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng: “Khi đãi ngộ rồi thì cần quy định sự tương xứng về trình độ, đóng góp và cống hiến. Nguyên lí có thể rất dễ thông qua nhưng giải quyết cụ thể sẽ phải từng bước nếu không sẽ nảy sinh ra bất cập khác.

Ví như, có thời kì chúng ta đánh giá rất cao vị trí của lực lượng công an và quân đội và thực tế, đối tượng này vẫn được hưởng lương rất cao. Nhưng trong thời bình, việc đó còn thực sự hợp lí hay không? Không nói ra nhưng rõ ràng trong tâm tư của không ít người dân đặt ra vấn đề đó. Cũng có phải là vì công an lương cao mà công an không còn tiêu cực không? Từ đó, chúng ta nhìn lại trong giáo dục. Đấy là những bài toán mà chúng ta phải giải bằng thực tiễn”.

Nhấn mạnh về ý kiến của mình, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng đặt ra bài toán thực tiễn về chất lượng phù hợp với đãi ngộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn