MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2023, đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong SGK. Ảnh: Tường Vân

Muốn xóa bỏ đọc, chép văn mẫu, phải bắt đầu từ đổi mới đề thi

Tường Vân - Trà My LDO | 03/08/2022 08:11

Cô Hồ Thị Liên Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (Nghệ An) cho rằng, việc đổi mới đề thi, kiểm tra là tiền đề để xóa bỏ lối học vẹt, học tủ, đọc chép văn mẫu đã ăn mòn vào tư duy một bộ phận giáo viên, học sinh hiện nay.

Ra đề thi Ngữ văn theo hướng mở là hướng đi đúng

Là người trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng bao thế hệ học sinh, cô Hồ Thị Liên Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (Nghệ An) cảm thấy vui mừng trước thông tin đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong SGK.

Cô khẳng định, sự đổi mới cách thức ra đề này là hướng đi hay, hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nền giáo dục. Một mặt giúp khắc phục được cách dạy và học truyền thống theo kiểu đọc chép, ghi nhớ kiến thức thụ động của cả giáo viên và học sinh. Mặt khác, hạn chế tối đa lối học tủ, học vẹt, học lệch như một lối mòn của học sinh hiện nay.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế sẽ có nhiều hạn chế. Điều đầu tiên nằm ở ý thức của học sinh. Khi biết bài học đó không trong đề thi thì học sinh sẽ có phản ứng chủ quan, chán nản với bài học đó. Nếu giáo viên không đủ vững chuyên môn thì sẽ không thể nào thu hút được học sinh và như vậy, giờ học sẽ hoàn toàn thất bại.

“Việc thoát ly văn bản trong SGK sẽ khiến học sinh chểnh mảng với các văn bản nếu văn bản đó không thật sự hấp dẫn các em. Khi đó, chắc chắn sẽ lại dẫn tới tình trạng học tủ, học vẹt, học chỉ để đối phó đi thi. Điều này là một sự bất cấp trong chương trình mới.

Chưa kể, ra đề thi theo hướng mở sẽ dẫn tới sự chênh lệch trong việc cho điểm giữa các giám khảo khi chấm thi. Khi Bộ chưa ra hướng dẫn cụ thể thì khả năng cao sẽ xảy ra nhiều tranh cãi” - cô Minh phân tích.

"Nếu thực hiện luôn, bản thân tôi cũng bối rối"

Từ những bất cập trên, cô Minh đề xuất, việc đổi mới cần có lộ trình để tránh gây lúng túng cho cả giáo viên lẫn học sinh.

“Nếu áp dụng chương trình mới ngay từ hôm nay thì chính bản thân tôi sẽ trở tay không kịp. Việc thay đổi đột ngột sẽ làm cho các giáo viên lộn xộn trong việc xây dựng câu hỏi thi và đáp án mới.

Nếu Bộ vẫn cương quyết theo quy định mới tôi e rằng không thật sự hiệu quả. Phải có thời gian để cả giáo viên lẫn học sinh từ từ tìm hiểu và làm quen dần" - cô Minh bày tỏ quan điểm.

Về giải pháp dạy học tránh đọc chép văn mẫu, cô Minh cho rằng câu chuyện này không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ của nền giáo dục. Nhưng điều cơ bản mà cần làm ngay lúc này đó là đổi mới cách thi.

"Sở dĩ chương trình mới hiện nay chưa hoàn thiện nhưng nhìn vào xu thế chung thì hướng ra đề thi mở là rất cần thiết để tránh lối học vẹt, học tủ. Trong đó, vai trò của giáo viên là quan trọng nhất. Thầy cô sẽ chèo lái, định hướng cho các em có được phương pháp học tập, giúp tiếp cận đề thi theo hướng mở dễ dàng hơn" - cô Minh nói.

Đề cao việc đổi mới dạy học, tiếp cận môn Ngữ Văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn cho rằng, sách mới hiện nay khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu cho thi cử.

Ông cho rằng, sách mới quán triệt không cung cấp văn mẫu, chỉ cung cấp ví dụ. Ví dụ thế nào là phân tích, thế nào là đánh giá để học sinh biết. Đặc biệt, thay đổi cách đánh giá thi cử, tư tưởng học hằng ngày nhưng lúc thi phải có văn bản, ngữ liệu mới. Như vậy mới mới đo được suy nghĩ của các em.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định, với môn Ngữ văn, điều quan trọng là học sinh cần đọc phải hiểu, viết rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành với ý của mình và nghe phải hiểu; phải bám sát hoạt động giao tiếp vì đây là văn hóa phổ thông, không phải đào tạo ra "ông" phê bình văn học hay nhà văn.

"Giáo viên phải trang bị cho các em văn hóa phổ thông đó mà trước hết ở môn Ngữ văn là học sinh đọc văn bản phải hiểu, viết được đoạn văn rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành ý nghĩ mình, diễn đạt từ đúng đến hay và nói lưu loát, tự tin. Đổi mới phải gắn với tính thiết thực đó, chính là phải bám sát cuộc sống" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn