MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Moet.

Năm 2022 tiếp tục đổi mới, kiên trì chất lượng giáo dục

Tường Vân LDO | 01/01/2022 15:09
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, dịch bệnh dự đoán còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi ngành giáo dục phải chuyển đổi trạng thái, tiếp tục đổi mới để giảm tác động tiêu cực, duy trì mục tiêu chất lượng.

Dự đoán một năm học khó khăn, thách thức

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhân loại đã trải qua 2 năm ứng phó với dịch bệnh. Và ngành giáo dục Việt Nam cũng trải qua một quãng thời gian dạy và học trong tình hình dịch bệnh.

“Những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn còn chờ ở phía trước. Khó khăn lớn là bởi 2 năm chống dịch vừa qua chúng ta mới bước đầu khắc phục, củng cố để đảm bảo chất lượng.

Nhưng phía trước, câu chuyện đến lớp học trực tiếp, học online, kết hợp các hình thức vẫn là những phương án đặt ra. Khi chúng ta đang củng cố cái cũ có thể diễn biến phức tạp, bắt buộc chúng ta phải có ứng phó tiếp theo.

Vậy nên, ngành giáo dục xác định năm tới sẽ là năm khó khăn hơn đối với toàn ngành, công tác chỉ đạo của Bộ GDĐT và mỗi thầy cô, học sinh” - Bộ trưởng nói. 

Dự đoán năm 2022 sẽ là năm khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động còn lớn hơn để điều chỉnh biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm đã có, tiếp tục có những ứng phó, kiên trì vì mục tiêu chất lượng.

Kiên trì với mục tiêu chất lượng

Bộ trưởng khẳng định, không thể phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành giáo dục khi đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong gần 2 năm qua.

Tuy nhiên thực tế, việc dạy học trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập: Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. 

Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể hết.

Trước những thách thức, khó khăn, Bộ trưởng cho biết, năm 2022, việc vừa đổi mới giáo dục đào tạo, vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, kiên trì với mục tiêu chất lượng là việc lớn mà Bộ GDĐT chú ý trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, những câu chuyện như bảo đảm vấn đề giáo viên đủ số lượng, chất lượng; những việc về quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung cũng là những việc lớn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chuyển đổi số là vấn đề mà Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết, toàn ngành cũng đã triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành giáo dục đã gặp không ít khó khăn đặc biệt về vật chất, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Năm 2022, Bộ GDĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, xây dựng hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về việc sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học, đồng thời cũng chính là việc rất thiết thực trong ứng phó với dịch bệnh.

Trong tất cả các công việc, đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, sẽ ưu tiên cho hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị và quản trị phù hợp đặt trên nền tảng số để giải quyết được nhiều mục tiêu trong thời gian sắp tới. 

Về mục tiêu lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GDĐT đang hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển GDĐT năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bên cạnh đó, việc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2022.

"Đối với giáo dục đại học, 2022 vẫn là năm tiếp tục triển khai, hoàn thiện để làm chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn, thực chất hơn đối với tự chủ đại học; từng bước hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công cuộc phát triển đất nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn