MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học của học sinh Hà Nội. Ảnh: Vân Trang

Năm 2024, thêm nhiều chính sách có lợi cho giáo viên

Trà My - Vân Trang LDO | 21/02/2024 08:41

Nhiều giáo viên kỳ vọng, bước sang năm mới 2024, ngành giáo dục sẽ nhận thêm nhiều khởi sắc, đời sống giáo viên sẽ được cải thiện.

Thêm nhiều chính sách có lợi cho nhà giáo

Từ năm 2024, nhiều chính sách giáo dục về lương, thưởng, chế độ có lợi cho nhà giáo sẽ được thực thi. Hướng dẫn mới cho hay, tại Điều 23, Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 thì cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.

Theo hướng dẫn này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đây là tin vui với hàng triệu nhà giáo trên cả nước.

Một trong số các chính sách được đông đảo đội ngũ giáo viên quan tâm nhất là chính sách về tiền lương.

Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Ngoài ra, cũng trong năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo thống nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo.
Hàng triệu giáo viên trên cả nước trông đợi xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, hướng tới sự phát triển của đội ngũ giáo viên trước mắt và lâu dài.

Trông chờ vào sự khởi sắc

Thầy Nguyễn Văn Tiến - giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - có nhiều hy vọng và niềm tin vào một năm mới ngành giáo dục sẽ có nhiều điểm sáng.
Thầy Tiến cũng đánh giá, năm học qua, ngành giáo dục có rất nhiều việc đã làm được để vượt qua những khó khăn, thử thách, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần thay đổi trong năm học mới này.

“Bản thân tôi luôn hy vọng, ngành Giáo dục sẽ khắc phục các vấn đề còn hạn chế, tạo ra nhiều chính sách có động lực tác động trực tiếp tới giáo viên” - thầy Tiến nói.

Một trong số những vấn đề thầy Tiến để tâm nhiều nhất đó chính là vấn đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

“Chương trình giáo dục phổ thông đã đi được một chặng đường dài. Trong quá trình đổi mới cũng gặt hái được nhiều thành công nhất định đối với việc phát triển năng lực của học trò. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đến từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực giáo viên ở nhiều môn học mới, khó khăn trong khâu chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới hướng đến nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Điều này, cần sự thay đổi tránh tình trạng trường học loay hoay, giáo viên đau đầu” - thầy Tiến bày tỏ.

Công tác trong ngành giáo dục hơn 10 năm, cô Ngô Thị Lê - giáo viên Trường THCS Thị trấn Núi Đối Hải Phòng - hy vọng, bước sang năm 2024, Luật Nhà giáo sẽ sớm đi vào thực tế.

“Luật Nhà giáo ban hành sẽ giống như chiếc phao cứu sinh giúp các giáo viên có thêm động lực cống hiến, gắn bó với nghề. Hiện nay, nhà giáo rất mong muốn có một đạo luật đặc thù dành cho họ bởi sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập cũng như tạo ra nhiều chính sách tốt” - cô Lê chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn