MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT vừa trình Chính phủ xin giãn thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới lại 1 năm. Ảnh: Huyên Nguyễn

Năm đầu tiên chương trình giáo dục mới sẽ chỉ áp dụng ở lớp 1?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/10/2017 11:40

Đây là một trong những nội dung được Bộ GDĐT trình Chính phủ về việc xin giãn thời gian áp dụng chương trình tổng thể.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai năm đầu tiên theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 lớp đầu cấp; năm thứ 2 triển khai tiếp ở các lớp 2, 7 và 11; năm thứ 3 triển khai tiếp ở các lớp 3, 8 và 12; năm thứ 4 triển khai đến lớp 4 và lớp 9; năm thứ 5 triển khai tiếp ở lớp 5.

Tuy nhiên, mới đây, theo đề xuất của Bộ GDĐT, năm đầu tiên sẽ chỉ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1. Năm tiếp theo triển khai đến lớp 2, lớp 6; năm thứ 3 đến lớp 3, lớp 7, lớp 10; sau đó đến lớp 4, lớp 8, lớp 11 và cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Với lộ trình này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục tổng thể nhận định lộ trình này hợp lý hơn, vì nội dung kiến thức ở các cấp THCS và THPT phức tạp hơn. GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ: Ở THCS còn có các môn học tích hợp, ở THPT thì học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và nguyện vọng, đó đều là những điểm mới, cần có thêm thời gian để tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý kỹ càng. Ngoài ra, các cấp học này cũng đòi hỏi trang thiết bị nhiều hơn.

“Kinh nghiệm cho thấy không nên làm ồ ạt mà phải làm thật chắc chắn. Các địa phương cũng cần thời gian để chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất. Nếu lùi thời gian triển khai, chương trình sẽ được chuẩn bị kỹ hơn”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Về cơ sở vật chất, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu rõ là chương trình phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì vậy chương trình được xây dựng sẽ không đặt ra những yêu cầu quá cao về cơ sở vật chất. Theo đại diện ban soạn thảo, để thực hiện chương trình mới, chỉ cần các địa phương bảo đảm sĩ số tối đa không quá 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và không quá 45 học sinh/lớp đối với bậc THCS, THPT. Đây là quy định được Bộ GDĐT đưa ra từ nhiều năm trước nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần học 2 buổi/ngày; những nơi nào không có điều kiện cũng phải học được tối thiểu 6 buổi/tuần, nếu không sẽ rất khó nâng cao được chất lượng giáo dục. Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đối với những lớp chỉ học được 5 buổi/tuần.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 3.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ GDĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Sau khi nhất trí chủ trương, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để xin ý kiến. Quốc hội là cơ quan đưa ra quyết định chính thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn