MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2023 - 2024, thành phố Hà Nội có hơn 2,2 triệu học sinh. Ảnh: Vân Trang

Năm học 2023 - 2024, Hà Nội tăng gần 69.000 học sinh

Tường Vân LDO | 16/08/2023 14:28

Năm học 2023 - 2024, toàn TP.Hà Nội có hơn 2,2 triệu học sinh (tăng gần 69 nghìn học sinh so với cùng kỳ năm trước).

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 của ngành giáo dục Hà Nội sáng 16.8, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông tin, năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội (tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước).

Toàn thành phố có 2.222.246 học sinh (tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước); có 124.493 giáo viên (tăng 1.525 giáo viên so với cùng kỳ năm trước) và 66.110 phòng học (tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước).

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong năm học qua, ông Cương nhìn nhận, hiện nay, ngành giáo dục thủ đô còn một số hạn chế, cụ thể như: Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến một số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập; một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Công tác phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT cũng còn những bất cập. Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn.

Ngoài ra, chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các quận và các huyện trên địa bàn thành phố còn khoảng cách...

Người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô đánh giá, quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023 cũng gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật đồng bộ; giáo viên ở một số môn mới, môn “tích hợp” và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần phải đào tạo, bồi dưỡng.

Ông Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành GDĐT tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023 - 2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo".

Theo đó, ngành giáo dục thủ đô tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng gồm: Đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau THCS, THPT; sắp xếp lại hệ thống các trường học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn