MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm học mới, giáo viên mong ước sống được bằng lương

Vân Trang LDO | 06/09/2023 06:15

Bước vào năm học mới, giáo viên có chung mong ước đồng lương được cải thiện, để thầy cô có thể "sống được bằng lương".

Mong ước sống được bằng lương

Ngày 5.9, học sinh trên khắp cả nước đã tham dự khai giảng năm học 2023 - 2024, bắt đầu cho năm học mới. Đây cũng sẽ là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong chặng đường đổi mới giáo dục, giáo viên được xem là khâu then chốt, chủ lực, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới. Thế nhưng thực tế, trong những năm qua, nhiều giáo viên, dù còn "nặng" với nghề, vẫn phải ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc với lí do "lương không đủ sống".

Cách đây 5 năm, chị Nguyễn Thị Phương - lúc bấy giờ là giáo viên bậc THCS tại Hà Nội, đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc, tìm hướng đi mới vì nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Chị Phương chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp giáo viên nghỉ việc. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), chỉ riêng năm học 2022-2023, toàn quốc có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do cuộc sống chật vật, đồng lương eo hẹp, nhiều giáo viên, dù còn rất yêu nghề nhưng vẫn chấp nhận từ bỏ công việc, tìm kiếm cơ hội việc làm khác với mức thu nhập ổn định hơn.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, nhiều địa phương kiến nghị, Bộ GDĐT tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non.

Học sinh trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Hải Nguyễn

Hiện lương cơ sở của giáo viên đã tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Với mức lương mới này, khi tính theo hạng chức danh nghề nghiệp, thu nhập của giáo viên các cấp cũng sẽ tăng.

Nhiều giáo viên nhận định, mức lương trên đã tăng so với trước đây, nhưng không đáng kể trong bối cảnh vật giá leo thang, cuộc sống sinh hoạt cần nhiều chi phí.

"Mong ước của giáo trên khắp cả nước là năm học mới sẽ có thêm nhiều chính sách quan tâm, đãi ngộ để nâng cao mức lương cho giáo viên" - cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng.

Mong học trò trưởng thành

Với 25 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lê Thị Hoa - Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.

Cô Hoa chụp ảnh lưu niệm cùng học trò trong ngày khai giảng 5.9. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm học tới, khoá học sinh cô chủ nhiệm sẽ bước vào lớp 12 - năm học cuối cùng của đời học sinh. Trong ngày khai giảng năm học mới, cô Hoa chỉ có mong ước duy nhất là các em học sinh luôn tự rèn luyện, cố gắng phấn đấu trong học tập, cuộc sống hằng ngày.

"Niềm vui của tôi là được nhìn học trò thành đạt, nhớ thầy Văn Như Cương dạy dù làm việc gì cũng trở thành người tử tế” - cô Hoa nói.

Mong được giảm tải hồ sơ, sổ sách

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà chụp ảnh lưu niệm trong ngày khai giảng 2.9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà bày tỏ mong ước, sang năm học mới, thầy cô được giảm tải hồ sơ sổ sách, tập trung cho chuyên môn giảng dạy.

Với nhiều năm công tác trong ngành, thầy Lực đánh giá, so với trước kia, số lượng hồ sơ, sổ sách đã được tinh giảm. Song theo thực tế, thầy cô còn thấy nặng về hồ sơ, tốn thời gian cho sổ sách.

"Giáo viên chỉ cần có kế hoạch bài dạy; sổ theo dõi và đánh giá học sinh là đáp ứng được mục tiêu yêu cầu giảng dạy.

Về phong trào, nên duy trì những phong trào liên quan đến hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Giao tiếp, ứng xử, thoát hiểm, sinh tồn bắt, còn các phong trào khác chuyển sang hoạt động dành cho các câu lạc bộ của trường (nếu trường có câu lạc bộ)" - thầy Lực kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn