MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường. Ảnh cắt từ clip

Nạn nhân bạo lực học đường: Đi học giống như sự tra tấn

Vân Trang LDO | 21/04/2023 16:13

Bị cô lập, miệt thị, bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, đi học giống như sự tra tấn,... Đó là những kí ức, khoảng trống tinh thần mà những nạn nhân của bạo lực học đường không bao giờ muốn nhắc lại. 

Nguyễn Huy, 19 tuổi, sinh sống ở Hà Nội, từng là nạn nhân của bạo lực học đường trong suốt 12 năm cắp sách đến trường.

Em ví, đó là khoảng thời gian đen tối nhất của cuộc đời mình, việc đi học giống như tra tấn. Lý do chỉ bởi, em thuộc giới tính thứ ba.

Không chỉ bị bạo hành về mặt tinh thần, Huy thường xuyên phải chịu tổn thương thể chất do bạn học gây nên. Em gần như không dám thể hiện mình và xa lánh dần bạn bè, thầy cô.

Trong 12 năm học, em từng chuyển trường vì không chịu nổi sự kỳ thị của bạn bè. 

"Lớp 4, lớp 5 là đỉnh điểm của việc bị bắt nạt. Em bị các bạn lột đồ, xé sách vở, bị mắng chửi bằng những từ ngữ miệt thị vô cùng xấu xa. Đau lòng nhất là chính giáo viên chủ nhiệm cũng kỳ thị em.

Em là nạn nhân của bạo lực học đường, nhưng lại phải đối diện với những câu hỏi mang tính chất chất vấn "phải làm gì mới bị bạn bắt nạt chứ" - Huy xót xa kể lại.

Thuỳ An (34 tuổi, quê Quảng Ninh) cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường từ những năm bậc THCS.

Đến thời điểm hiện tại, dù đã học được cách vượt qua những nỗi đau, học cách mạnh mẽ, lạc quan và quên đi những cảm xúc tiêu cực, Thuỳ An vẫn nhớ như in tên từng bạn một, tất cả những người đã từng bắt nạt mình năm xưa. 

“Thời điểm đó, chiếc xe đạp được xem là tài sản quý giá nhất của mình. Ngày nào các bạn cũng bắt nạt, nhắm vào việc phá xe, làm hỏng xe.

Năm lớp 8, mình được mẹ mua áo trắng mới, chỉ vừa mặc đã bị các bạn vẩy mực khắp lưng. Các bạn gái thì kỳ thị vì mình có làn da đen, trêu chọc, dùng những từ ngữ rất phản cảm để xúc phạm, lăng mạ mình. Ngày nào đi học về mình cũng khóc" - Thuỳ An nói.

Thời điểm đó, cô nữ sinh đen nhẻm, gầy guộc đã rất tự ti về hoàn cảnh của bản thân. Chưa từng nghe đến cụm từ "bạo lực học đường", Thuỳ An lúc đó chỉ nghĩ là các bạn bắt nạt, chế giễu vì gia đình nhà mình nghèo, cũng không học quá giỏi.

Mọi chuyện thay đổi khi đến năm lớp 9, Thuỳ An trở nên nổi bật với thành tích học tập. Có lẽ đây là lí do khiến các người bạn bắt nạt kia phải dè chừng mình.

Cô cũng dần trở nên mạnh mẽ hơn, học cách bước tiếp về phía trước. Thế nhưng, lãng quên và tha thứ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

"Người ta hay xin một vé đi về tuổi thơ nhưng có cho mình 100 vé mình cũng không muốn quay lại" - Thuỳ An buồn bã nói. 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ bạo hành trong môi trường giáo dục, cũng như giữa các nhóm học sinh với nhau, gây nhức nhối dư luận.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ngăn chặn bạo lực học đường là điều cần thiết trong môi trường giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có khối trường tư thục mới có đủ nguồn nhân lực để thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Khối trường công không có biên chế, thiếu nguồn lực và gần như không có người thường trực để thực hiện nhiệm vụ này. 

"Chúng ta nặng về kêu gọi, răn đe, quy trách nhiệm. Điều này là cần thiết nhưng không giải quyết triệt để được vấn đề bạo lực học đường.

Thay vào đó, phải giải quyết bằng cách giáo dục kĩ năng, giá trị sống cho học sinh. Đôi khi làm 1,2 lần không đủ mà cần làm thường xuyên" - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn