MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Nâng điểm chuẩn "đánh trượt" thí sinh: Làm gì để giải quyết bài toán ồ ạt mở ngành mới?

Nguyễn Hà LDO | 14/08/2018 09:00
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn lên 23 để loại thí sinh duy nhất đăng ký vào trường được xem là câu chuyện hi hữu trong ngành giáo dục.

Thông thường, các trường tìm cách hạ chuẩn để thu hút sinh viên, nhưng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai lại nâng chuẩn để "loại" sinh viên với lý do nếu chấp nhận tuyển thí sinh này, nhà trường không thể tổ chức đào tạo, nên đành dùng biện pháp “nâng chuẩn” để thí sinh tìm lựa chọn khác.

Nhà trường không được làm tùy tiện

Nói về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, khi trường đã công bố chuẩn vào từng khoa, từng khối phải đảm bảo giữ điều này để đảm bảo uy tín.

Chỉ có 1 - 2 thí sinh, nhà trường vẫn phải có phương án giải quyết đúng chứ không thể tùy tiện nâng điểm. Hiện tại, thí sinh 22,5 điểm bị "đánh trượt" ngành sư phạm Ngữ văn đã trúng tuyển nguyện vọng 2 Cao đẳng sư phạm Gia Lai ngành Giáo dục Tiểu học, tuy nhiên xét ở nguyện vọng 1 vẫn cần có những giải thích cần thiết cho thí sinh này.

Cùng quan điểm, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, thí sinh trúng tuyển phải được công nhận điều này, nếu vì các lí do khác nhau mà nhà trường không thể thực hiện được đúng như tiêu chí ban đầu thì nhà trường phải có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

“Theo tôi, về nguyên tắc, trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai làm như vậy là không đúng. Rất thông cảm, chia sẻ với trường khi chỉ có 1 sinh viên nhưng trong tình huống này trường nên báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có phương án. Thí sinh này rõ ràng đã đỗ, không thể tuyên bố thành trượt được, chuyện này là không được phép. Đó là sự tùy tiện, mà tùy tiện trong giáo dục rất có hại”.

Cần có dự báo trước khi mở ngành học mới

Nhiều trường đại học, cao đẳng ồ ạt mở thêm các ngành mới dẫn đến chuyện thiếu sinh viên không phải chuyện hiếm. Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, trong cơ chế thị trường, cung phải tương ứng với cầu, chúng ta không thể dự báo được chính xác 100% nhưng cũng phải có sự tương đối nhất định.

Việc mở ngành ồ ạt sẽ dẫn đến việc không đủ số thí sinh – điều này chúng ta đã từng thấy rõ. Thứ hai, sẽ không đảm bảo được chất lượng khi một ngành mới mở không đủ số giáo viên, dẫn đến đào tạo ra sinh viên không đảm bảo chất lượng.

Nếu dự báo không đúng nhu cầu sẽ dẫn đến lượng cung không đủ, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, hoặc lượng cung thừa dẫn đến việc lãng phí, một vài thí sinh đỗ thì bơ vơ, không có nơi học.

“Vấn đề này đòi hỏi người quản lý phải nhạy bén, bám sát thị trường để có những dự báo tương đối đúng theo xu hướng phát triển của kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó mới cấp phép cho các trường mở ngành.

Ở cấp dưới, địa phương có thể có tầm nhìn vi mô hơn, nhưng ở góc độ vĩ mô hơn, Bộ Giáo dục - Đào tạo hay các cấp quản lý phải xác định việc mở ngành có nên hay không, nên như thế nào. Có nên mở ngành theo từng cụm trường hay không" - bà An nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn