MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng. Ảnh: HN

Năng suất lao động của 23 người Việt mới bằng 1 người Singapore

HUYÊN NGUYỄN LDO | 15/12/2017 10:35
"Năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.600 USD. So sánh với các nước trong khu vực, 1 người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, 1 người Malaisia bằng gần 6 người Việt Nam, 1 người Thái bằng gần 3 người chúng ta”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp VN chia sẻ.

Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng dẫn ra số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy những bất ngờ về năng suất lao động của người Việt. Xuất phát từ những lí do được các chuyên gia kinh tế chỉ ra như lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng trang bị không phù hợp và đòi hỏi của thị trường, kĩ năng ngoại ngữ, làm việc nhóm kém... dẫn đến bị đánh giá kém hiệu quả.

Cùng với đó, nhân sự cấp cao của Việt Nam so với các nước còn có khoảng cách rất lớn. Chính vì thế, thống kê cho thấy, năng suất lao động tính bằng giá thì 1 người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, 1 người Malaisia bằng gần 6 người Việt Nam, 1 người Thái bằng gần 3 người Việt Nam. 

“Chúng ta chưa dự báo nguồn nhân lực sát với thị trường lao động; chưa thực hiện dự báo nhu cầu đào tạo về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn chưa tốt; chưa thu hút được sự tham gia và phát triển nguồn nhân lực từ các đơn vị sử dụng lao động”, ông Phòng nhận định.

Mặt khác, ông Phòng cũng chỉ ra rằng, trong giáo dục, đào tạo, đội ngũ giáo viên, giảng viên còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, còn sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Hệ thống phương pháp công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm định và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo còn lạc hậu, kém hiệu quả. Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa hiểu và thực hiện đúng. Các điều kiện đảm bảo chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng.

Từ thực tế trên, ông Phòng kiến nghị, Chính phủ cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ cấu đào tạo với tập trung phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các kĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghiệp sinh học. Triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia. Nâng cao chất lượng dạy nghề tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới. Chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực…

Đặc biệt, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống công tác quản lý và điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn