MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên tuyển thẳng hoặc cộng điểm thi vào lớp 10 cho học sinh giỏi thành phố

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 28/01/2024 13:43

Học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố bậc THCS, nếu không được tuyển thẳng vào lớp 10, thì nên có cơ chế cộng điểm trong kì thi này để đảm bảo công bằng.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố các môn văn hóa và môn khoa học lớp 9, năm học 2023-2024. Đồng thời cho biết, Sở đã và sẽ tiếp tục đề xuất Bộ GDĐT về chính sách cộng điểm trong kì thi tuyển sinh lớp 10 cho những học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9 cấp thành phố.

Theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT của Bộ GDĐT ban hành kèm theo thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3.5.2022 quy định về chế độ tuyển thẳng vào THPT, chỉ có các đối tượng sau được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Như vậy học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT.

Trong khi đó, mục đích của kì thi học sinh giỏi là nhằm phát hiện học sinh có năng lực, phẩm chất, tài năng, để được tiếp tục bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho đất nước mai sau.

Để đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh/thành phố, trước hết các em phải vượt qua kì thi chọn học sinh giỏi quận/huyện, rồi tiếp đến được thầy cô bồi dưỡng để thi chọn học sinh giỏi thành phố/tỉnh. Các em học sinh này phải trải qua quá trình học tập vất vả, với dung lượng kiến thức bồi dưỡng nhiều, khó, thời gian bồi dưỡng kéo dài (thi học sinh giỏi cấp huyện ít nhất là 3 tháng, thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng ít nhất là 2 tháng).

Theo nhiều thầy cô, nếu không có sự ưu tiên nào cho học sinh giỏi vì vậy học sinh cũng không thiết tha với việc tham gia đội tuyển. Điều này sẽ là làm mai một tài năng, giảm động lực vươn lên trong học tập của các em.

Phụ huynh cũng sẽ không quan tâm, mặn mà đến việc động viên, ủng hộ con học bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi các cấp. Giáo viên phải vận động từng học sinh đăng kí bồi dưỡng, thi chọn học sinh giỏi nhưng không nhiều em tha thiết tham gia,... Đây là một thực tế đang diễn ra tại các tỉnh thành, đặc biệt là đối với những môn như Lịch sử, Địa lý...

Bản thân tôi, từng rất áp lực khi được nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử. Bởi ngay từ khâu tuyển chọn học sinh để thành lập đội tuyển đã có rất ít học sinh tự nguyện tham gia (vì nhiều lý do). Thầy cô phải kiên trì “dụ dỗ” để các em chịu học, chịu đăng kí tham gia.

Sau đó, chúng tôi đã trải qua quá trình dày công, từ việc động viên tinh thần, đến việc ôn tập, giúp các em đủ kiến thức, kĩ năng làm bài thi, và đi thi đạt giải. Có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh là niềm tự hào vinh dự của thầy trò, nhà trường và gia đình. Nhưng đổi lại, các em chỉ nhận được giấy chứng nhận là chấm hết, thật là lãng phí thời gian, công sức… để bồi dưỡng tài năng.

Do vậy việc tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh đạt giải cấp tỉnh/thành phố vào lớp 10 là thỏa đáng. Rất mong Bộ GDĐT xem lại điều này. Nếu không tuyển thẳng, ít nhất cũng nên cộng điểm cho các em đạt giải tỉnh/thành phố vào kì thi tuyển sinh lớp 10 công lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn