MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên sẽ vui mừng nếu bỏ xếp hạng từ ngày 1.7.2024. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nếu bỏ xếp hạng từ tháng 7.2024 sẽ giải quyết bất cập về tiền lương giáo viên

TRÀ MY LDO | 11/03/2024 06:30

Việc xếp hạng giáo viên vẫn luôn là chủ đề được rất nhiều thầy cô quan tâm. Nhiều giáo viên cho rằng, từ tháng 7.2024, nếu bỏ đi xếp hạng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, trong đó có tiền lương.

Từ tháng 7.2024 còn chia hạng giáo viên không?

Từ ngày 1.7 tới, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.

Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, đối với giáo viên là viên chức sẽ được bổ nhiệm từ hạng I, II, III đang hưởng theo các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT) sang lương mới với nhiều bậc lương khác từ ngày 1.7.2024.

Như vậy, bảng lương mới không còn dùng khái niệm hạng, nhưng đối với chức danh nghề nghiệp vẫn có nhiều bậc lương khác nhau, giáo viên khi công tác đủ thời gian, hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể được xét tăng lương thường xuyên, trước niên hạn.

Giáo viên có thêm động lực làm việc

Là một trong số các giáo viên ủng hộ việc không chia hạng, cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường Mầm non Tràng An (Quảng Ninh) - cho rằng, việc chia hạng dẫn đến nhiều bất cập cho giáo viên.

"Thời gian qua có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên chia giáo viên thành các hạng I, II, III. Bản thân tôi thấy, giáo viên cũng hoạt động và thực hiện công tác giảng dạy, giáo dục học sinh như nhau, khi chia hạng sẽ có giáo viên hạng thấp, hạng cao dễ khiến các giáo viên tranh luận về việc chia hạng thế nào, tiêu chuẩn và cơ sở nào để chia hạng giáo viên" - cô Hồng nêu quan điểm.

Cũng theo giáo viên này, việc chia hạng hiện nay thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương, điều này khiến nhiều giáo viên băn khoăn.

"Theo tôi quan sát, việc thực hiện nâng hạng ở mỗi địa phương cũng không đồng nhất. Có địa phương nâng hạng thường xuyên nhưng cũng có một số nơi rất hiếm hoi tổ chức việc này. Như vậy, sẽ khiến các giáo viên cảm thấy thiếu công bằng và thiếu động lực làm việc" - cô Hồng thẳng thắn nói.

Cùng chung suy nghĩ với cô Hồng, cô Vũ Thị Hồng Thắm - giáo viên bậc tiểu học tại Phủ Lý (Hà Nam) - bày tỏ: "Tôi mong muốn các lãnh đạo nghiên cứu, xem xét chuyển xếp từ lương các hạng I, II, III hiện nay sang bảng lương mới từ ngày 1.7.

Việc xếp hạng các giáo viên đã ảnh hưởng khá nhiều tới mức lương của họ, khi giáo viên cùng chung một công việc, trách nhiệm như nhau nhưng việc hưởng lương cao hay thấp lại phụ thuộc rất nhiều vào chia hạng. Có những giáo viên công tác hàng chục năm, trình độ chuyên môn giỏi song vì chưa có cơ hội được nâng hạng nên mức lương vẫn thấp hơn đồng nghiệp khác.

Vì thế, khi nhận tin từ ngày 1.7 có khả năng không còn chia hạng nhà giáo, tôi và rất nhiều giáo viên khác rất vui mừng tán thành".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn