MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người nhìn nhận dạy thêm là việc làm bình thường, với điều kiện các lớp học này được mở ra phải xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Nếu dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh, cần có chế tài để tránh biến tướng

Tuyết Anh - Bích Hà LDO | 24/11/2023 06:55

Nhiều phụ huynh, học sinh, chuyên gia cho rằng việc dạy thêm, học thêm sẽ không xấu nếu xuất phát từ nguyện vọng chính đáng. Nếu dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần có chế tài, sự giám sát để tránh biến tướng.

Hàng tuần, sau khi kết thúc thời gian học buổi chiều ở trường, em Nguyễn Thị Tố Y - lớp 12, Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) lại tiếp tục tham gia một lớp học thêm khác kéo dài từ 17-20h.

Việc tham gia học thêm đối với Tố Y là hoàn toàn tự nguyện và không có sự bắt ép từ bố mẹ hay bất kỳ ai khác.

“Em bắt đầu tham gia các lớp học thêm từ năm lớp 6, không phải là đến năm cuối cấp em mới đi học. Trước đó em chỉ học môn tiếng Anh và môn Toán, sau khi lên lớp 10 em học thêm môn Hóa và Sinh. Các lớp học này đều do em tự tìm hiểu và đăng ký học” - Tố Y cho hay.

Theo Tố Y, mọi người nên có góc nhìn thoáng hơn đối với vấn đề học thêm, dạy thêm. Để công bằng, nên dựa vào từng trường hợp, mục đích sử dụng để đánh giá.

“Mọi người khi nhắc đến dạy thêm, học thêm thường nghĩ đó là hoạt động xấu. Nhưng em thấy, nếu việc này xuất phát từ nguyện vọng của chính bản thân em và các lớp học thêm đó có chất lượng thì không có gì xấu.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lớp học thêm mở ra chỉ để kiếm tiền, kiến thức mà học sinh nhận về không tương ứng. Những lớp học này mới đáng bị chỉ trích” - Tố Y bày tỏ quan điểm.

Em Nguyễn Mai Anh - học sinh lớp 11 tại Hà Nội vẫn đều đặn tham gia lớp học thêm vào mỗi buổi tối. Nhưng thay vì đến các điểm học thêm bên ngoài thì Mai Anh lại thuê gia sư riêng về dạy tại nhà.

“Cách làm này tuy hơi tốn kém, nhưng lại đảm bảo được chất lượng và bố mẹ em có thể giám sát chặt chẽ hơn. Hầu hết, những người dạy kèm em đều là anh, chị sinh viên nên khó để có chuyện trục lợi ở đây” - Mai Anh nói.

Đứng trên góc nhìn của phụ huynh, chị Phạm Thị Liễu (Đà Nẵng) nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm theo hai cách.

“Dạy thêm, học thêm sẽ không xấu khi lớp học đó mở ra để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và kiến thức thầy cô cung cấp là kiến thức nâng cao, mở rộng thêm.

Còn nếu lớp học đó mở ra chỉ để thu tiền, bắt ép học sinh theo học thì tôi hoàn toàn phản đối. Vì hiện nay, tôi thấy có rất nhiều thầy cô cắt xén giờ học trên lớp, đưa khối lượng kiến thức đó vào lớp học thêm của mình” - chị Liễu nói.

Con trai chị Liễu hiện đang theo học lớp 4 tại một trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thời gian học thêm của con chị chủ yếu diễn ra vào cuối tuần và thầy cô đứng lớp không phải là thầy cô giáo trực tiếp dạy con ở trường.

“Để công bằng thì mình sẽ lựa chọn những lớp học thêm có thầy cô đứng lớp không phải là người dạy trực tiếp con ở trường. Với cách này thì con sẽ được tiếp xúc phương pháp dạy học mới và kiến thức nhận về không phải là những gì đã học trên trường” - chị Liễu chia sẻ.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, dạy thêm, học thêm không hẳn là xấu nếu người học có nhu cầu và động lực học tập chính đáng, còn người dạy giàu nhiệt tâm và công tâm.

Ông Dong phản đối việc giáo viên ép học sinh đi học thêm. Bởi ngoài học tập ra, các em cũng phải có thời gian để vui chơi, giải trí giúp cân bằng được năng lực và thể chất.

Nếu dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Dong cho rằng cần có sự giám sát, chế tài cụ thể, tránh thả nổi, biến tướng, ngăn chặn việc giáo viên ép đi học thêm, hoặc trù dập học sinh nếu không tham gia lớp học thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn