MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có nội dung đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Ảnh: Hải Nguyễn

Nếu không đưa Lịch sử làm môn thi bắt buộc, việc học sẽ trở thành đối phó

trà my LDO | 30/08/2023 20:55

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc hay tự chọn. Có ý kiến giáo viên cho rằng, nếu không trở thành môn thi bắt buộc, thậm chí sẽ có học sinh không học môn này.

Năm 2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng với tất cả các bậc học.

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành có nhiều điểm mới, trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, giáo viên.

Trao đổi với Báo Lao Động về việc có nên đưa Lịch sử là môn thi bắt buộc, thầy Nguyễn Văn Tiến - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) nêu quan điểm:

“Không thể phủ nhận vai trò của môn Lịch sử. Đây là bộ môn cung cấp kiến thức, nền tảng về lịch sử văn hóa dân tộc. Giáo dục con trẻ biết quý trọng những giá trị văn hóa dân tộc mà ông cha đã xây dựng và vun đắp trong quá trình dựng nước và giữ nước. Mỗi học sinh cần phải hiểu Lịch sử và không nên coi nhẹ.

Tôi chưa bàn đến việc để môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc vì có lẽ, trước hết nó phải đúng nghĩa là một môn học. Hiện nay, học sinh chúng ta thường có tâm lí thi gì học nấy. Nếu không đưa Lịch sử vào môn thi bắt buộc, việc học sẽ trở thành đối phó, thậm chí có học sinh còn xác định “xoá sổ” môn học này. Tuy nhiên, nếu như chỉ học qua loa để thi thôi cũng không đem lại được giá trị gì cho các em” - thầy Tiến bày tỏ.

Theo thầy Tiến, để góp phần giúp học sinh nhận ra được tầm quan trọng của môn học này, thầy cô phải là “kim chỉ nam” để các em say mê, thích thú hơn với Lịch sử.

“Lôi kéo, dẫn dắt học sinh sao cho các em nhận thấy chương trình học Lịch sử thật sự không nặng nề như những gì mọi người nghĩ. Một khi học sinh đã thích, các em sẽ tự tìm hiểu, không cần ai bắt buộc” - thầy Tiến thẳng thắn nói.

Cô Lê Thị Duyên - giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (Nghệ An) lại nhận định, mỗi môn học đều có một đặc thù riêng. Các kiến thức của môn này sẽ bổ trợ cho môn học khác nên rất khó để đánh giá xem môn học nào đóng vai trò quan trọng nhất.

Cô Duyên cũng khẳng định, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục đổi mới đang đi đúng lộ trình, từ phương pháp dạy và học, sau đó đến cách thi. Khi môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc sẽ đòi hỏi cả giáo viên và học sinh sẽ đều phải thay đổi.

“Muốn giáo viên và học sinh thay đổi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay đổi trước. Phải có một quyết định nhất quán đối với bộ môn Lịch sử. Từ đó, giáo viên thích ứng theo, nâng cao chất lượng dạy học, phải làm sao giảng dạy và thi cử môn này thật sự thu hút” - cô Duyên chia sẻ.

Đối với việc thi cử, cô Duyên cũng khuyến khích việc đổi mới ngân hàng đề thi. Việc đổi mới đề thi có tính mở, hấp dẫn nhưng phải giữ được tính chính xác của nội dung.

"Nên để cho các thầy cô, chuyên gia Lịch sử bổ sung vào ngân hàng đề thi các câu hỏi mang tính phân loại cao. Tuy nhiên, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018" - cô Duyên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn