MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nếu không thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học sẽ lúng túng tuyển sinh

Đặng Chung - Thu Nguyễn LDO | 12/04/2020 13:00

"Nên tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 hay thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh?" - là chủ đề nhận được sự quan tâm và tranh cãi của dư luận trong những ngày qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng.

Không phải trường nào cũng có tiềm lực tổ chức thi riêng

Đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia - căn cứ quan trọng giúp các trường đại học tuyển sinh - hiện vẫn chưa biết có diễn ra hay không, vì phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Theo Bộ GDĐT, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt, học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15.6, thì kỳ thi vẫn sẽ diễn ra. Còn không, Bộ GDĐT sẽ báo cáo Quốc hội quyết định phương án phù hợp.

Trong bối cảnh này, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Đây là trường đại học đầu tiên của phía bắc thực hiện điều này nhằm chủ động “ứng phó” trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Phía Nam, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ có kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức để thực hiện tuyển sinh, trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không thể diễn ra. 

Còn nhiều trường đại học khác vẫn đang hồi hộp chờ kỳ thi THPT quốc gia có diễn ra hay không. Dù muốn tổ chức kỳ thi riêng, nhưng thời gian quá gấp nên các trường khó chuẩn bị kịp. 

Trước diễn biến này, ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay kỳ thi chung không thể diễn ra, nhiều trường đại học sẽ lúng túng trong việc tuyển sinh. 

"Không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng, vì làm được một bộ đề thi riêng là rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề hệ lụy sẽ khó lường.

Nếu chỉ dùng học bạ để xét tuyển sẽ không ổn, sẽ có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Còn trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển” - ông Ngọc nêu quan điểm.

 TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT). Ảnh: Quang Khánh

Chuyên gia này cũng cho rằng, phương án tốt nhất là nếu học sinh có thể quay trở lại trường học chậm nhất vào ngày 15.6 thì các em vẫn có gần 2 tháng để vừa hoàn thành nốt năm học, vừa ôn tập. Khi nội dung học kỳ II đã được tinh giản, đề thi không ra vào nội dung học kỳ II  thì không đến mức phải bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến, nhưng theo ông Ngọc, sẽ khó đảm bảo chính xác và công bằng cho học sinh.  Vì vậy, Bộ GDĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.

"Không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi"

Đó là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi nói về các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Ông cho rằng, Bộ GDĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học.

“Tôi tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học, không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi” - TS Khuyến nói.

TS Lê Viết Khuyến cho biết thêm, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.

Trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một  phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học; các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa có chất lượng và hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn