MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình ngoại khoá nâng cao kỹ năng sống giúp ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Ngăn chặn bạo lực học đường: Giáo dục từ mỗi học sinh

Khánh Linh LDO | 17/11/2022 08:25
Hòa Bình - Nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường đã được triển khai ở tỉnh miền núi Hoà Bình.

Thời gian qua, nhiều vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội hoặc quay clip đánh hội đồng bạn học rồi tung lên mạng đã gióng lên hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.

Cụ thể, ngày 23.7.2022, tại thôn Gò Mu, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, cháu N.T.T (12 tuổi) bị 6 bạn nữ (từ 12 - 13 tuổi), cùng trú tại xã Thanh Cao đánh.

Trong khi đánh bạn, nhóm này đã quay clip và đăng lên mạng xã hội (MXH) khiến nạn nhân càng thêm tổn thương.

Ảnh cắt từ clip vụ việc ngày 23.8.2021 tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi.

Trước đó, tối 23.8.2021, mạng xã hội Facebook chia sẻ lại nhiều clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh đánh nhau túi bụi trên đoạn đường đôi, thuộc khu Mớ Đá, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi. Hai nhóm đánh nhau trước sự reo hò, cổ vũ của hàng chục nam sinh nhưng không ai vào can ngăn.

Những vụ việc bạo lực học đường đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần học sinh. Để ngăn chặn những vụ việc xót xa nói trên, ngành giáo dục ở TP Hoà Bình đã triển khai nhiều biện pháp, giáo dục từ mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, PV đã có mặt ghi nhận tại Trường TH&THCS Trung Minh (phường Trung Minh, TP.Hòa Bình) - ngôi trường trong nhiều năm qua không xảy ra tình trạng bạo lực học đường.

  Môi trường giáo dục thân thiện, tích cực giảm thiểu bạo lực học đường. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Nói về nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực học đường, bà Lê Thanh Hồng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Bạo lực học đường thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh THCS, là lứa tuổi đang hoàn thiện về tâm sinh lý nên đôi khi chưa thực sự kiểm soát về hành vi.

Cũng từ đó, dẫn đến việc kỹ năng xử lý tình huống của các em còn hạn chế. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về phòng ngừa bạo lực học đường chưa được kết quả như mong muốn".

Để ngăn chặn bạo lực học đường, theo vị hiệu trưởng, nhà trường đã đưa nội dung tuyên truyền xuyên suốt đầu năm học. Đồng thời tổ chức những buổi ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

"Nhà trường cũng mong muốn các vị phụ huynh và mỗi giáo viên trở thành nơi tin cậy để các em có thể chia sẻ mỗi khi gặp những vấn đề khó khăn" - vị hiệu trưởng nói thêm.

  Ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh có thêm kiến thức về xử lý những tình huống trong cuộc sống. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tương tự, tại trường THCS Lý Tự Trọng (phường Phương Lâm, TP.Hoà Bình) - ngôi trường nằm ở vị trí trung tâm thành phố, với 20 lớp và 825 học sinh. 

Bà Vũ Thị Lan Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để ngăn chặn bạo lực học đường, nhà trường đã xác định việc giáo dục tư tưởng cho học sinh được đặt lên hàng đầu.

Đây cũng là năm thứ 3 nhà trường triển khai mô hình "3 xin, 3 cho" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, cho nụ cười, cho kiến thức, cho sự chia sẻ) và nhận thấy có rất nhiều sự chuyển biến tích cực trong học sinh"

"Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội, từ năm 2019 đến nay, không xảy ra trường hợp bạo lực học đường nào tại khuôn viên nhà trường" - vị hiệu trưởng nói thêm. 

Trao đổi với PV, bà Kim Thị Hồng - Phó Trưởng phòng GDĐT TP.Hòa Bình cho biết: "Ngay từ đầu năm học, Phòng GDĐT  TP.Hoà Bình đã có các văn bản hướng dẫn yêu cầu các nhà trường có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn bạo lực học đường".

Cũng theo bà Hồng, các nhà trường đã chú trọng giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh. Tạo thêm sân chơi để các em có cơ hội giao lưu, học hỏi, thấu hiểu lẫn nhau.

"Mạng xã hội lẫn lộn đủ nội dung tốt - xấu, các nhà trường cần chú ý bồi dưỡng bản lĩnh cho trẻ để không bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực" - bà Hồng nói thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn