MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngăn chặn bạo lực học đường: Không khó, nhưng cần yêu thương và lắng nghe

Văn Sỹ LDO | 29/04/2023 10:19

Là trường THPT lớn nhất của huyện Châu Thành (Hậu Giang) với quy mô gần 1.000 học sinh. Theo Ban giám hiệu trường, những năm qua, giữa các học sinh cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn, thách đấu giữa các em, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời của Ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh nên gần chục năm qua không xảy ra vụ bạo lực học đường nào.

Những mâu thuẫn nhỏ của tuổi học trò

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động ông Huỳnh Văn Méo, Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Sáu cho biết, tính từ năm 2015 - 2016 đến nay ở trường xảy ra hơn 20 mâu thuẫn trong học sinh. Trong đó, có gần 10 vụ thách đấu và hẹn giải quyết với nhau bằng vũ lực.

 Buổi thể dục giữa giờ của học sinh Trường THPT Ngã Sáu. Ảnh: Văn Sỹ

Chủ yếu các vụ mâu thuẫn của học sinh là những chuyện nhỏ nhặt như: nói xấu nhau giữa các học sinh; mẫu thuẫn tình cảm trai gái; học sinh cá biệt muốn thể hiện, chứng tỏ là đàn anh, đàn chị;….

“Khoảng gần Tết Quý Mão 2023, sau mấy bị một bạn nam khác lớp nhắn tin thách thức là đã chiếm được tình cảm của bạn gái em nên xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, em hẹn với 2 thằng bạn thân, cùng một người em bà con lên kế hoạch đánh dằn mặt bạn nam kia.

 Giờ học môn Hóa của học sinh Trường THPT Ngã Sáu. Ảnh: Văn Sỹ

Tuy nhiên, ngay sau đó giáo viên chủ nhiệm và thầy Méo (Hiệu trưởng) đã gọi em lên phòng hỏi thăm sự việc của em. Ban đầu, em cũng chối bỏ sự việc, nhưng qua hơn 1 tiếng ngồi nghe cô chủ nhiệm cùng thầy Hiệu trưởng phân tích đúng, sai và những hệ lụy từ việc đánh nhau.

Đồng thời, thầy cô định hướng cho em cách giải quyết mâu thuẫn một cách rất nhẹ nhàng mà hiệu quả”, T.V.N, học sinh lớp 10, Trường THPT Ngã Sáu bày tỏ.

 Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Ngã Sáu. Ảnh: Văn Sỹ

Một học sinh cho biết, vào đầu năm học 2022-2023, do muốn đổi style nên em đổi kiểu tóc ngắn và nhuộm màu nâu đỏ, đồng thời cũng đổi gu mặc đồ theo phong cách Hàn Quốc cho xinh gái. Vậy là một vài bạn nữ lớp bên cạnh đem chuyện của em ra bàn tán từ trong trường cho đến quán trà sữa. Không chỉ vậy, họ còn “nói bóng nói gió” trên Facebook, Zalo.

“Sau khi nghe những người bạn mách lại, em tức quá nên đã lập nhóm để đánh dằn mặt những bạn nói xấu mình. Thế nhưng, bọn em chưa kịp hẹn thì thầy Hiệu trưởng và Bí thư đoàn trường, cùng thầy chủ nhiệm đã gọi em lên phòng cho biết đã nắm được sự việc và phân tích rất nhiều điều giúp em có cách giải quyết êm đẹp hơn”, học sinh này cho biết.

 Trường THPT Ngã Sáu là trường cấp 3 có quy mô lớn nhất huyện với gần 1.000 học sinh. Ảnh: Văn Sỹ

Thầy cô phải khuyên dạy như những đứa con

Thầy Huỳnh Văn Méo, Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Sáu khẳng định, ngăn bạo lực học đường không khó, tuy nhiên, những người làm nhiệm vụ này phải giàu lòng yêu thương học sinh và phải xem các em như những đứa con của mình để kịp thời quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các em trong học tập và rèn luyện.

 Gần 10 năm qua, Trường THPT Ngã Sáu không xảy ra các vụ đánh nhau giữa các học sinh. Ảnh: Văn Sỹ

“Hầu hết các em học sinh cấp 3 đang trong độ tuổi muốn thể hiện và chứng tỏ bản thân. Trong khi đó, đa số các em còn bồng bột, chưa suy nghĩ đến những hệ lụy, hậu quả từ những việc làm, hành động của mình. Vậy nên, nhà trường và phụ huynh không thể thiếu sự quan tâm đến tâm lý cũng như những rắc rối mà các em đang gặp phải trong học tập và cuộc sống, sinh hoạt.

Đối với công tác ngăn chặn bạo lực học đường, Ban giám hiệu chúng tôi thường xuyên nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm, cũng như giáo viên bộ môn, ban cán sự lớp chú ý đến mối quan hệ và cách cư xử của các em học sinh không chỉ trong trường, trong lớp mà cả bên ngoài, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Để từ đó, chúng tôi nắm được những chuyện mâu thuẫn, cãi vả, thậm chí là chửi nhau, hoặc thách thức nhau trên mạng xã hội. Khi nắm được tình hình, tôi sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm, hoặc giáo viên bộ môn, hay đại diện phụ huynh. Những người được tôi phối hợp bàn hướng xử lý đều là người có uy tín được chính những em này tôn trọng và lắng nghe.

Cùng với đó, chúng tôi tìm hiểu rõ nguồn gốc, đầu đuôi những sự việc dẫn đến mâu thuẫn để có giải pháp xử lý cho êm đẹp. Chủ yếu chúng tôi phân tích đúng sai, hậu quả của việc giải quyết bằng vũ lực.

Rồi từ đó, khuyên răn các em bỏ qua, hoặc với những trường hợp cần thiết thì làm việc với cả 2 phía để giải quyết mâu thuẫn trong các em”, thầy Huỳnh Văn Méo chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn