MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp

Đặng Chung LDO | 27/11/2020 14:52

Tại Hội thảo giáo dục 2020 "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 27.11, đại diện Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra một số hạn chế trong tự chủ đại học hiện nay, trong đó có vấn đề tài chính.

Tại hội thảo, ông Christophe Lemiere - quản lý chương trình Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận thấy, mức đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp.

Ông Christophe Lemiere cho biết, hiện Việt Nam phân bổ 5% tổng GDP của cả nước cho giáo dục, riêng giáo dục bậc đại học được đầu tư 0,33% (chiếm 6,1% tổng mức đầu tư của Chính phủ cho giáo dục). Mức đầu tư này rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng quan mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Tuy mức đầu tư còn thấp nhưng đại diện Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận giáo dục đại học Việt Nam những năm qua đã có nhiều thành tích đột phá. Điển hình như việc thay đổi tích cực đối với sự quản trị đại học hiện đại; ban hành Luật Giáo dục đại học (2018); thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2014-2017.

Đồng thời, mức tuyển sinh các trường đại học cũng tăng gấp đôi kể từ năm 2000 (trên 50% là nữ); tỉ lệ phần trăm giảng viên đại học có bằng thạc sĩ/ tiến sĩ hiện nay đạt trên 75%; phát triển chương trình đào tạo và được quốc tế công nhận; số lượng công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, các trường đại học Việt Nam đã xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.

Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội nghị Giáo dục 2020.

Qua đó, đại diện Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra một số hạn chế trong môi trường tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay như việc phân bổ các quỹ công còn hạn chế, vẫn dựa trên các định mức truyền thống, không dựa trên kết quả hoạt động hoặc vốn chủ sở hữu.

Đồng thời, công tác nghiên cứu của trường đại học nhìn chung còn ít tài trợ, quản lý lỏng lẻo, chất lượng hợp tác còn hạn chế. Các thủ tục chuẩn bị và giải ngân vốn đầu tư phức tạp, chưa đủ thu hút tài trợ ở cả khu vực công lẫn thị trường tín dụng tư nhân. Học bổng và các khoản vay dành cho sinh viên thấp, điều khoản vay – trả chưa đủ hấp dẫn.

Ông Christophe Lemiere cũng cho biết, mức độ tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam còn thấp; tỉ lệ tuyển sinh theo nhóm quỹ phúc lợi không đồng đều, thậm chí chênh lệnh lớn; chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các nhóm kỹ năng của người học và sự chuyển giao các nghiên cứu và công nghệ diễn ra ở mức thấp.

Ngoài vấn đề tài chính, ông Christophe còn chỉ ra nhiều vấn đề như việc quản lý đang bị chồng chéo giữa ba bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ và Lao động Thương binh và Xã hội, ba bộ không có sự phối hợp nhuần nhuyễn; hay việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường còn hạn chế.

Từ những hạn chế nêu trên, ông Christophe Lemiere đề xuất Chính phủ tăng mức đầu tư cho giáo dục từ 0,33% lên 0,80% trước năm 2030. Hướng tới da dạng thể chế, chuyển dịch từ trường đại học công lập đầu tư tốn kém sang các trường dân lập, cao đẳng có chí phí đầu tư hiệu quả hơn.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Thế giới, giáo dục đại học ở Việt Nam có thể đưa ra các hướng tiếp cận tài trợ tài chính và chia sẻ chi phí tương tự một số quốc gia. Chẳng hạn, Nam Phi, Chile chuyển dịch từ hỗ trợ cơ sở sang theo đầu sinh viên. Hay như các nước đang phát triển và phát triển theo hướng hợp tác công tư cho các dự án đầu tư vốn. Nhiều quốc gia lại đi theo hướng đa dạng thu nhập từ giáo dục thường xuyên, các dịch vụ phụ trợ và đóng góp của cựu sinh viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn