MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Nguyễn Văn Minh chụp ảnh cùng sinh viên trường sư phạm. Ảnh: Minh Hằng

Ngày 20.11 nghĩ về hạnh phúc nghề giáo

Tường Vân - Bích Hà LDO | 20/11/2023 07:54

Mỗi thầy cô đến với nghề giáo đều xuất phát từ tình thương yêu đối với học trò, tình yêu nghề. Niềm hạnh phúc của người thầy là được đồng hành, chứng kiến bao thế hệ học trò trưởng thành. Dù còn nhiều khó khăn, đối diện với nhiều áp lực, nhưng hàng triệu giáo viên trên cả nước đã và đang nỗ lực vượt qua, để gieo ước mơ, mầm tử tế cho các thế hệ học sinh.

Niềm hạnh phúc đơn giản

Dịp 20.11 năm nay, cô Hồ Thị Hồng Thái đến trường, bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, hứng khởi. Cô mở cửa lớp học và thật bất ngờ khi bàn ghế đã được kê lại, có hoa tươi, và tiếng hô vang: “Chúng em chúc cô ngày 20.11 thật nhiều niềm vui”.

Món quà bất ngờ này do tập thể lớp 11A9, Trường THPT Can Lộc, Hà Tĩnh lên kế hoạch chuẩn bị cả tuần nay. Các em tranh thủ giờ ra chơi, cuối buổi học, cùng bàn bạc, chuẩn bị buổi lễ thật ý nghĩa nhưng không kém phần trang trọng.

Với 40 năm gắn bó cùng nghề, từng trải qua nhiều nơi công tác, từ vùng sâu đến thành thị, rồi trên cương vị là quản lý của ngôi trường đào tạo các thế hệ nhà giáo cho đất nước, điều khiến GS.TS Nguyễn Văn Minh luôn trân trọng là nghề đã mang đến cho mình niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh được.

"Khi bạn bè quốc tế đến Việt Nam vào dịp này, họ đều bày tỏ sự ngỡ ngàng vì Việt Nam có một ngày tôn vinh nghề giáo. Cả xã hội đều thể hiện sự kính trọng, tôn vinh những người đã dạy dỗ con em mình. Điều này khiến tất cả những người làm nghề như chúng tôi rất xúc động và tự hào.

Tôi vẫn nói với sinh viên trường sư phạm, không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc, nhưng nghề mang lại cho chúng ta những hạnh phúc vô bờ bến. Đó là được chứng kiến sự trưởng thành của học trò và mình được đóng góp một phần công sức nhỏ bé làm cho mỗi con người tốt lên, xã hội tốt lên" - GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Đội ngũ nhà giáo luôn cố gắng không ngừng nghỉ

Nghề giáo luôn được coi là “nghề cao quý”, vị thế của người thầy luôn được xã hội trân trọng. Thế nhưng thực tế, đời sống của nhiều giáo viên còn khó khăn, áp lực. Áp lực đến từ việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, áp lực từ sự đổi mới, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để thích ứng. Áp lực luôn hiện hữu nhưng mỗi thầy cô đều luôn có cách riêng vượt qua, khắc phục khó khăn để tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến trường.

Vẫn có những người giáo viên xắn quần cao quá gối, bấm ngón chân xuống bùn, không ngại khó, ngại khổ bám điểm trường vùng cao, vùng xa trong cơn lũ dữ. Vẫn có những thầy cô, dù tuổi đã cao, nhưng vẫn cặm cụi, cần mẫn học cách sử dụng công nghệ thông tin, cập nhật chương trình mới để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Vẫn có những thầy cô ngoài giờ lên lớp, trăn trở tìm cách để hiểu học trò hơn, để làm bạn cùng các em...

"Tôi mong trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm thật nhiều chính sách quan tâm, chế độ lương, thưởng được cải thiện để tương xứng với giá trị, sức lao động mà đội ngũ thầy cô giáo bỏ ra, để thầy cô yên tâm cống hiến" - thầy Phan Đăng Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Can Lộc, Hà Tĩnh bày tỏ nguyện vọng.

Thầy cô hãy đóng vai trò là người đồng hành

Khi tôi còn học phổ thông, vì gia đình khó khăn, nhà cách xa trường, tôi đã nghỉ học cả tháng. Ở nhà một mình, tôi suy nghĩ mãi. Cuối cùng, khi nhận ra muốn vượt qua đói nghèo thì phải học, tôi quyết định trở lại trường.

Nghĩ thầy cô sẽ không cho học nữa, nhưng thầy cô vẫn chào đón tôi. Trong vài tuần sau đó, tôi liên tục được gọi lên bảng và nhiều lần không làm được bài. Tôi bất ngờ vì thầy cô không chê trách, quát mắng mà rất kiên nhẫn, mà tìm cách hướng dẫn. Thầy cô như những người bạn, người đồng hành với mình. Tôi cứ nghĩ tại sao thầy cô tốt như vậy? Điều đó thôi thúc tôi thi vào Sư phạm dù chưa có khái niệm yêu nghề. Càng sau này, tôi càng hiểu tầm quan trọng của việc bao dung.

Với một đứa trẻ, học với thầy cô này có thể trở thành một người tài năng nhưng học với người khác có thể chưa chắc được điều đó. Nói thế để thấy thầy cô có vai trò rất quan trọng, ghi dấu ấn trong cuộc đời, sự trưởng thành của một con người. Dù nghề của chúng ta còn nhiều vất vả, nhưng mang đến những giá trị vô giá. Và mong rằng những ai đã chọn nghề giáo, hãy luôn giữ được sự yêu thương, lòng bao dung, để giáo dục học trò bằng cả trái tim.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn