MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày vừa vui òa, vừa bịn rịn sau cả chục năm cắm bản, gieo chữ vùng cao

Kiên Tâm LDO | 06/07/2021 13:53

Tỉnh Yên Bái vừa thực hiện đợt chuyển công tác - về nơi gần gia đình - cho 45 giáo viên sau nhiều năm cắm bản, gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn.

Những người bền bỉ gieo chữ vùng cao

UBND tỉnh Yên Bái vừa có buổi gặp mặt và trao quyết định cho 45 giáo viên công tác tại các điểm trường có hoàn cảnh khó khăn về trung tâm huyện, thị xã, thành phố theo nguyện vọng của chính những thầy, cô giáo này.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thực hiện việc thuyên chuyển số lượng lớn giáo viên từ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Những trường hợp được thuyên chuyển đều là những giáo viên dạy học lâu năm ở vùng cao, có thành tích xuất sắc, hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Dầu vậy, đây cũng chỉ là con số khiêm tốn so với gần 6.000 cán bộ, quản lý, giáo viên hiện đang công tác tại vùng cao, miền núi tỉnh Yên Bái, chiếm 45,7% giáo viên toàn ngành.

Đa số họ đều có thâm niên gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên. Rất nhiều người đã mang hết tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, vượt qua khó khăn gian khổ và sự thiếu thốn về vật chất, xa gia đình vợ con, bất đồng ngôn ngữ, lạ lẫm về phong tục tập quán… hàng ngày bám trường, bám lớp tất cả vì học sinh thân yêu.

Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm cùng 45 giáo viên chuyển vùng công tác nhân dịp gặp mặt này. Ảnh: Kiên Tâm.

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, việc điều động, tiếp nhận giữa các đơn vị đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng; đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đồng thời đảm bảo ổn định biên chế, chất lượng, đội ngũ giữa các trường.

Ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: “Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các thế hệ học sinh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn khắc ghi công lao và chia sẻ cùng các thầy, cô giáo đã vượt qua muôn vàn khó khăn để bền bỉ gieo chữ cho học sinh vùng cao. Với tâm huyết cháy bỏng, tình yêu nghề, tấm lòng yêu thương học trò, các thầy, cô giáo đã nêu gương sáng về đạo đức, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học sinh”.

Ngày vui mừng và lưu luyến

Mấy chục năm qua các thế hệ giáo viên không quản ngại gian khổ bám trường bám lớp, tận tụy với học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đào tạo nhiều thế hệ học sinh, nhiều trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, tỉnh.

Cô giáo Hồ Thị Minh Thoa - giáo viên Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải sau 13 năm công tác đã được chuyển về Trường Mầm non Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Cô Thoa chia sẻ: “Tôi cứ ngỡ như một giấc mơ vậy… Trước cứ chiều thứ 6 về, ở với con ngày thứ 7, đến chủ nhật lại lên trường. Nhiều lần đi trong lúc con vẫn đang ốm sốt mà lòng thắt lại, nước mắt cứ chảy thôi”.

Cô Thoa cho hay, bản thân nhiều lúc đã nghĩ đến việc bỏ nghề vì vất vả quá và xa con cái nhưng khi đến lớp, thấy bọn trẻ ở bản còn đáng thương hơn cả con mình, bản thân lại có động lực tiếp tục cố gắng để các em được học tập cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cô giáo Hồ Thị Minh Thoa (ở giữa) thời công tác tại Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải.

Trong 45 thầy cô được chuyển công tác theo nguyện vọng lần này, có rất nhiều người đã cống hiến hơn 20 năm cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Cô Hoàng Thị Tùng Bách, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Túc Đán, huyện Trạm Tấu cũng đã dành trọn 20 năm thanh xuân đem con chữ đến cho các em nhỏ Trạm Tấu.

Cô nhớ lại: "Thời gian đầu cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhiều lúc ốm đau muốn bỏ cuộc, nhưng nhìn các em chân trần băng rừng đến lớp với niềm khát khao học tập, đã tiếp cho tôi nghị lực để ở lại với các em”.

Cô Bách bộc bạch: "Đến nay đã 21 năm dạy học ở vùng cao, nhiều trường đã được xây dựng khang trang hơn, nhưng nhiều điểm trường vẫn còn tạm bợ, các thầy cô vẫn còn phải đối mặt với khó khăn thách thức. Dù phải xa nơi ấy tôi vẫn không thể quên những năm tháng đã qua".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn