MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong muốn giữ lại điểm trường lẻ số 2 xóm 8, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: TN

Nghệ An: Dân xin giữ lại điểm trường tiểu học, Chủ tịch tỉnh nói gì?

QUANG ĐẠI LDO | 16/06/2022 07:51

Trước nguyện vọng giữ lại điểm trường tiểu học cũ của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và giải quyết trên cơ sở đồng thuận.

Chiều 15.6, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã tiếp ông Nguyễn Đình Danh và một số công dân xóm Nguyệt Bổng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Ông Danh và người dân phản ánh quá trình sáp nhập điểm trường tiểu học Ngọc Sơn không công khai, dân chủ, chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và ảnh hưởng đến tương lai của học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tiếp công dân tháng 6.2022. Ảnh: PT

Khoảng cách điểm trường cũ và điểm trường mới xa, không đảm bảo đối với học sinh tiểu học. Kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhân dân, phụ huynh; cho phép giữ lại và xây dựng mới tại điểm trường cũ.

Lãnh đạo xã Ngọc Sơn cho biết, qua họp với phụ huynh điểm trường Thanh Nam thì phụ huynh không đồng tình với việc sáp nhập điểm trường. Tuy nhiên, vào thời điểm tổ chức sáp nhập điểm trường đang cách ly xã hội nên không tổ chức đối thoại được. Xã đang thực hiện vận động nhân dân để thực hiện việc sáp nhập trường.

Theo UBND huyện Thanh Chương, điểm trường lẻ Thanh Nam có 5 lớp học với 159 học sinh, xây dựng từ năm 1976 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại điểm trường mới đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Qua khảo sát điểm trường chính cách xa điểm trường cũ không quá 2 km; hộ dân xa nhất ở vùng Thanh Nam cách điểm trường chính là 5 km. Việc sáp nhập điểm trường Thanh Nam thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định sáp nhập các điểm trường lẻ là chủ trương đúng. Điểm trường Thanh Nam đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng như không đáp ứng các điều kiện để tổ chức thực hiện Chương trình học phổ thông mới 2018. Tuy nhiên, trên địa bàn người dân chủ yếu là nông dân, học sinh có bố mẹ đi làm xa, ông bà già yếu không đủ điều kiện để đưa con em đến trường.

Đối với việc chưa tổ chức đối thoại với nhân dân, ông Nguyễn Đức Trung đề nghị các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm để mỗi chính sách của tỉnh, của huyện khi tổ chức thực hiện đạt được sự đồng thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trực tiếp đối thoại với người dân, lắng nghe ý kiến của người dân và giải quyết những vấn đề liên quan đến chủ trương, kế hoạch thực hiện việc tổ chức sáp nhập điểm trường; báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15.7 trên tinh thần tạo sự đồng thuận.

Về việc công dân có đề xuất xã hội hóa để đầu tư xây dựng điểm trường Thanh Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải xem xét xem nhà tài trợ đến đâu để xây dựng điểm trường đảm bảo điều kiện dạy học; về phía ngành giáo dục và chính quyền phải xem xét có đủ điều kiện để bố trí dạy học không. Các cấp chính quyền phải quan tâm đến các điều kiện của người dân xã Ngọc Sơn để các cháu học sinh đến trường an toàn.

Như Lao Động đã thông tin, vào đầu năm học 2021 - 2022, hàng trăm phụ huynh trường Tiểu học Ngọc Sơn, xã Ngọc Sơn huyện Thanh Chương không cho con đến trường để phản đối việc sáp nhập điểm trường của địa phương. Sau đó huyện Thanh Chương chưa thực hiện việc sáp nhận để bảo đảm sự ổn định và tiến hành các bước tiếp theo.

Quan điểm của huyện là vẫn sáp nhập trong khi người dân không đồng thuận, muốn giữ lại điểm trường cũ vì đây là một địa chỉ văn hóa của bà con với cam kết sẽ huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn