MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non Nghệ An vui mừng chào đón học sinh tựu trường. Ảnh: Quang Đại

Nghệ An: Thiếu 6.500 giáo viên, vướng mắc trong điều động, thuyên chuyển

QUANG ĐẠI LDO | 30/08/2023 15:30

Trước thềm năm học mới, toàn tỉnh Nghệ An còn thiếu khoảng 6.500 giáo viên, bên cạnh đó là tình trạng thừa thiếu cục bộ, mất cân đối giáo viên giữa các trường.

Ngày 30.8, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trước thềm năm học mới, theo kiểm tra, rà soát, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 6.500 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non. Đây là khó khăn rất lớn cho các địa phương trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ.

Năm học 2022 – 2023, thành phố Vinh thiếu 227 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non. Năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp tục diễn ra, bậc THCS cần khoảng 1.003 giáo viên nhưng biên chế hiện chỉ có 884 giáo viên.

Tại huyện Thanh Chương, căn cứ quy định của ngành giáo dục, toàn huyện thiếu 437 giáo viên tiểu học và mầm non; thiếu 109 người so với định biên tỉnh giao. Trong khi đó bậc THCS lại đang thừa 141 giáo viên nhưng lại thiếu giáo viên các môn như: Tiếng Anh, Tin học, Hóa học.

Giáo viên trường Tiểu học Tiền Phong 4 (huyện Quế Phong - Nghệ An) trong một giờ lên lớp. Ảnh: Quang Đại

Tình trạng thiếu giáo viên và thừa thiếu giáo viên cục bộ (trường thừa, trường thiếu, môn thừa, môn thiếu) đang là bài toán làm đau đầu các địa phương.

Để giải quyết tình trạng nói trên, huyện Thanh Chương dự kiến bố trí giáo viên THCS đến dạy tại các trường tiểu học theo hình thức biệt phái không quá 1 năm, bố trí giáo viên tiếng Anh dạy liên trường cho các trường tiểu học, bố trí dạy liên trường đối với các môn còn thiếu giáo viên như Tin học, Hóa học, cấp kinh phí để các trường chi trả cho giáo viên dạy bù giờ.

Vào năm học mới, huyện Yên Thành tiến hành tuyển dụng 394 giáo viên theo chỉ tiêu tỉnh giao, đồng thời thuyên chuyển gần 100 giáo viên giữa các trường để đảm bảo điều chỉnh, cân đối đội ngũ, giải quyết nguyện vọng của giáo viên.

“Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay là nhu cầu thuyên chuyển của giáo viên rất lớn, giáo viên hầu hết có nhu cầu thuyên chuyển về các trường gần nhà, thuận lợi, còn các trường khó khăn, vùng sâu vùng xa lại không có ai muốn chuyển đến” – một cán bộ quản lý giáo dục ở Nghệ An chia sẻ.

Do đó, rất nhiều giáo viên tại huyện miền núi Quỳ Châu đã nhiều lần viết đơn xin thuyên chuyển vì điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, đã cống hiến nhiều năm ở vùng sâu vùng xa… tuy nhiên huyện chưa thể giải quyết vì không có giáo viên nào ở trường vùng thuận lợi tự nguyện xung phong lên công tác vùng khó khăn thay thế những người muốn chuyển về.

Trong khi theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước không thể đơn phương ra quyết định điều động, thuyên chuyển khi giáo viên không có nguyện vọng. Do vướng mắc này mà nhiều năm nay, tại Quỳ Châu nhiều giáo viên không được thuyên chuyển, dù nguyện vọng của họ là rất chính đáng.

Một số địa phương tiến hành biệt phái, thuyên chuyển giáo viên, mặc dù đã xây dựng quy chế chặt chẽ, tiến hành thận trọng, khách quan, nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra đơn thư, khiếu kiện.

“Đây là một bài toán quá khó cho ngành giáo dục, có những giáo viên gia đình ở Vinh hoặc huyện miền xuôi, vợ hoặc chồng đi dạy tại vùng miền núi cách hàng trăm cây số, đã cống hiến từ 15 - 20 năm rồi, rất vất vả, nay muốn chuyển về gần nhà, chúng tôi biết đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng nhưng không thể giải quyết bởi vì miền xuôi đang thừa giáo viên” – một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn