MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khóa học tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: HNB

Nghề báo vẫn còn sức hút với người trẻ

Mai Hương LDO | 21/06/2021 12:00
Hiện nay trên cả nước có 3 cở sở đào tạo báo chí lớn là Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Mỗi năm, những cơ sở đào tạo này cho “ra lò” hàng trăm sinh viên báo chí. Nghề báo vẫn đang thực sự trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những bạn trẻ.

Đào tạo phóng viên "đa năng"

Có thể thấy, hiện nay, các cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước đều xây dựng những chương trình đào tạo rất đa dạng: Báo in, báo ảnh, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử, truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện. Phương pháp đào tạo báo chí hiện nay cũng hiện đại hơn so với những năm về trước. Sinh viên được học tập và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy (phòng học, phòng studio, trường quay ảo…) được đầu tư và bổ sung hàng năm.

Tuy nhiên, việc đào tạo một sinh viên có thể làm tốt mọi kỹ năng báo chí là điều không đơn giản. Theo Tiến sĩ Vũ Huyền Nga - Giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sự thật là không phải sinh viên nào cũng có thể làm tốt mọi kỹ năng tác nghiệp, nhưng việc trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho các em là việc phải làm. Sinh viên học báo chí ở Học viện được chia ra ở các ngành đào tạo. Sinh viên sẽ được đào tạo chuyên môn sâu với ngành mà các em đã lựa chọn, tuy nhiên vẫn được học cả những kỹ năng của các chuyên ngành khác (thời lượng học tất nhiên là ít hơn).

Ví dụ, sinh viên chuyên ngành báo in sẽ được học tất cả các kỹ năng quay phim, chụp ảnh, phát thanh, dẫn chương trình… Và trên thực tế, có những sinh viên học chuyên ngành ảnh báo chí ra nhưng lại làm phát thanh viên hay biên tập viên truyền hình. Nhiệm vụ của công tác đào tạo là cung cấp đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho một phóng viên của thời đại 4.0, trong quá trình đó, sinh viên sẽ tự giác (hoặc bị bắt buộc) tìm hiểu và học sâu hơn về lĩnh vực mà mình yêu thích, phát huy năng lực/năng khiếu thực sự của bản thân. Bởi vậy, việc đào tạo sinh viên đa năng không phải là công việc khó khăn, cái khó là sinh viên có thể thích nghi đến đâu và giảng viên có thể tận tâm đến đâu.

Tiến sĩ Vũ Huyền Nga, tiến sĩ, nhà báo Nguyễn Tri Thức (Trưởng ban Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản), người đã có nhiều năm thỉnh giảng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, vấn đề đào tạo một sinh viên báo chí đa năng hiện nay không phải là khó. Hiện nay, đa số sinh viên đều được học tích hợp tất cả các loại hình báo chí. Không ít các bạn sinh viên biết quay phim, chụp ảnh, làm Megastory, truyền hình, MC… Trong khi ngồi trên ghế nhà trường, họ đã đi làm trực tiếp và có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghề.

Về cơ bản, đào tạo ra những phóng viên đa năng không quá khó khăn, quan trọng nhất là bản thân sinh viên phải yêu thích và có đủ đam mê, nhiệt huyết để theo đuổi nghề. Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức lấy ví dụ, trong quá trình làm báo và giảng dạy tại nhiều cơ sở báo chí, ông đã gặp những phóng viên ở độ tuổi trung niên nhưng mới bắt đầu tìm hiểu và đi học những kỹ năng làm báo hiện đại. Để hoàn thiện một tác phẩm báo chí, phóng viên sẽ phát huy nhiều thế mạnh, nếu không giỏi truyền hình thì phóng viên sẽ chú trọng về đề tài nội dung.

Ví dụ những người giỏi truyền hình thì sẽ biết cách xây dựng những cảnh quay hấp dẫn, thu hút khán giả. Một vấn đề khác, hiện nay, các tòa soạn đều theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa loại hình, đa nền tảng và có những đội ngũ khác nhau, họ sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm báo để tạo ra những tác phẩm báo chí chuyên nghiệp hơn.

Khó và dễ trong công tác giảng dạy

Là một giảng viên báo chí, tiến sĩ Vũ Huyền Nga nhận thấy, điểm khó trong công tác đào tạo báo chí hiện nay, chính là cơ chế. Từ cấp lãnh đạo đến cấp đơn vị, tất cả những người làm công tác đào tạo báo chí đều nhận thức được sự cần thiết của việc thay đổi để đáp ứng kịp với nhu cầu của truyền thông hiện đại, thế nhưng cơ chế quản lý luôn luôn kéo quá trình này chậm lại.

Tiến sĩ Vũ Huyền Nga chỉ ra nhiều lý do như: Tài chính, chủ trương, chính sách… tất cả luôn chậm hơn sự thay đổi của hiện thực cuộc sống. Điều này là quy luật của sự phát triển, không chỉ với công tác đào tạo báo chí mà với tất cả các lĩnh vực khác trong đời sống. Các cơ chế dù năng động đến đâu, trên thực tế cũng không theo kịp cuộc sống, do đó đây chính là điểm khó nhất trong công việc đào tạo báo chí hiện nay.

Nói về những điểm dễ trong vấn đề đào tạo báo chí, tiến sĩ Vũ Huyền Nga cho rằng, điều kiện kỹ thuật và các phát minh khoa học hiện nay đang trở thành phương tiện hữu hiệu để người dạy và người học báo chí cảm thấy thuận tiện khi sử dụng. Ở khía cạnh khác, điểm dễ của công tác đào tạo là hệ thống sách, tài liệu tham khảo đang được bổ sung hết sức phong phú, giúp người học dễ tìm thấy “ngọn hải đăng”, chứ không phải mò mẫm như trước.

Tiến sĩ Vũ Huyền Nga luôn nói với sinh viên, cuộc sống sinh động không bao giờ dừng lại, là chất liệu vô cùng tận cho quá trình tác nghiệp của người làm báo.

“So với những năm trước đây, sinh viên báo chí được trang bị nhiều kỹ năng hơn, sinh viên ngày nay cũng có nhiều tính sáng tạo hơn trong các loại hình truyền thông mới. Rất nhiều sinh viên đã trở thành những Youtuber ngay từ trên ghế nhà trường. Việc kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành cũng buộc sinh viên phải năng động hơn trong hoạt động báo chí, có những sinh viên đã trở thành những cộng tác viên tích cực của các cơ quan báo uy tín. Tuy nhiên, có một thực tế là cũng có nhiều sinh viên đã từ bỏ báo chí, để chuyển sang các hoạt động nghề nghiệp khác, phần nhiều là làm việc trong các công ty truyền thông" - tiến sĩ Vũ Huyền Nga cho biết.

Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, một trong những vấn đề khó hiện nay là mất cân bằng giới tính trong sinh viên báo chí. Hiện nay, 90% sinh viên báo chí là nữ... Một điểm khó khác là bản thân phóng viên có dám chiến thắng bản thân mình hay không, có thích, có đam mê, có theo đuổi hay không? Hiện nay, trong công tác đào tạo, phương pháp, tài liệu, công nghệ, phương tiện đều có đầy đủ, đội ngũ giảng viên đều là những người năng động, gắn lý luận với thực tiễn, không chỉ dạy lý thuyết đơn thuần, 100% giảng viên giảng dạy báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều đã có thời gian tham gia làm báo hoặc thực tế tại một cơ quan báo chí.

Đánh giá về chất lượng sinh viên hiện nay, tiến sĩ Vũ Huyền Nga cho hay, không thể nói sinh viên bây giờ được đào tạo tốt hơn sinh viên những năm trước, mà là chất lượng có đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan báo chí hay không.

Về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Huyền Nga tự tin khẳng định là có (hơn 50%), thêm vào đó do có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí, nên trình độ và kỹ năng của sinh viên báo chí ngày càng được khen là phù hợp với thực tế (không cần phải đào tạo lại quá nhiều). Đây cũng là mục tiêu hướng tới của các chương trình đào tạo đang được áp dụng hiện nay ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn