MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ học dài vì dịch, giáo viên mong giảm bớt môn thi vào lớp 10

HUYÊN NGUYỄN LDO | 06/03/2020 19:42

Trong bối cảnh học sinh vẫn nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19, giáo viên, phụ huynh ở các tỉnh, thành tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 nhiều môn mong muốn UBND, sở giáo dục và đào tạo giảm bớt áp lực học tập.

Nhiều tỉnh thi 4 đến 9 môn

Năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình,... tiếp tục phương án tuyển sinh vào lớp 10, tăng lên 4 môn thi. Trong đó, môn thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3 và thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Ngoài môn thi thứ 4 sẽ được "bắt thăm" và công bố vào tháng 5, tỉnh Thanh Hoá cũng sẽ thi thêm 3 môn khác là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

  Năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình,... tiếp tục phương án tuyển sinh vào lớp 10, tăng lên 4 môn thi. Ảnh Hải Nguyễn.

Thành phố Hải Phòng, Nghệ An cũng tổ chức 3 bài thi Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp kiến thức 2 môn (gồm Tiếng Anh và một trong số các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Môn này được bốc thăm và công bố vào đầu tháng 4.

Tương tự, ở Vĩnh Phúc bài thi thứ 3 là bài tổ hợp 2 môn với 60 câu (90 phút). Tuy nhiên học kỳ 2 học sinh mới biết biết 2 môn còn lại trong bài thi tổ hợp là môn nào. 

Tại Hưng Yên, bài thi tổng hợp gồm 7 môn: Vật lí, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tiếng Anh tổng hợp trong 1 bài thi.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Ninh Bình phải tham dự 3 bài thi: Toán, Ngữ Văn và bài thi tổ hợp (gọi tắt là các bài thi đại trà). Bài thi tổ hợp gồm môn Tiếng Anh và 3 môn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chọn và công bố tổ hợp các môn thi trong bài thi tổ hợp chậm nhất vào ngày 15.4.

Bài thi tổ hợp nhiều môn cũng là lựa chọn tối ưu cho giải pháp tránh học tủ, học lệch của nhiều địa phương. Nhiều người đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần lớn học sinh thi vào lớp 10 đều đỗ thì không nhất thiết phải thi nhiều môn.

"Ở các tỉnh, hầu hết học sinh cứ thi là đỗ lớp 10, chỉ tiêu thường sát với số lượng đăng ký. Năm ngoái, nhiều tỉnh xảy ra trường hợp 1 điểm/môn đã trúng tuyển lớp 10 công lập. Như vậy, tổ chức kỳ thi để tạo áp lực, tốn kém để làm gì?

Với các thành phố như Hà Nội, TPHCM có chỉ tiêu vào công lập thấp hơn thì việc thi nhiều môn lại tạo áp lực vô cùng lớn cho học sinh khiến kỳ tuyển sinh lớp 10 căng hơn cả thi đại học, đặc biệt với tình hình nghỉ dịch kéo dài như hiện nay. Tôi thấy các con phải ôn thi nhiều môn vất vả quá!", bà P.T.N - phụ huynh Trường Tiểu học & Trung học vơ sở Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết.

Nên giảm bớt môn thi

Thấu hiểu áp lực của học sinh, phụ huynh và ngay cả với giáo viên đứng lớp giảng dạy, bà Phạm Thái Lê - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Marie Curie, Hà Nội bày tỏ trước tình hình học sinh phải nghỉ tránh dịch hơn 1 tháng, tâm lí lo lắng căng thẳng vì thi cử lại càng gia tăng.

"Đến thời điểm này, môn thi thứ 4 chưa được công bố, việc cắt giảm chương trình chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng, thời gian thi cũng chưa ấn định nên tâm lí trò càng thêm rối. Tôi cho rằng việc bỏ bớt môn thi thứ 4, ít nhất là cho kỳ thi tới rất cần thiết để giảm áp lực lên trò.

Mặt khác, giảm bớt 1 môn thi không hề ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh vì khi tuyển sẽ lấy điểm từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh mà giảm áp lực cho học sinh thì rất nên làm. Vì vậy, tôi mong Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành tổ chức thi nhiều môn nhanh chóng có các phương án phù hợp tình hình thực tế của năm học này", bà Lê mong muốn.

Ngoài ra, cô giáo Thái Lê cho rằng các sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Hà Nội nên nghiên cứu việc giữ phương án thi vào lớp 10 như những năm học trước, bao gồm hai môn Ngữ văn, Toán, đồng thời xét học bạ để đánh giá cả quá trình của học sinh.

"Kỳ thi vào lớp 10 là tuyển sinh, không phải tốt nghiệp. Mỗi năm, phần lớn học sinh đều đỗ từ lớp 9 lên lớp 10, việc thi quá nhiều môn là không cần thiết, gây áp lực", bà Lê bày tỏ. 

Nữ giáo viên đề xuất học sinh ở khu vực nào sẽ học ở khu vực đó, những trường có số đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh cao thì cho phương án thi riêng. Điều này giúp đối tượng, phạm vi, quy mô của kỳ thi giảm, áp lực, tốn kém cũng giảm theo.

Hơn nữa, theo cô Lê, môn thi thứ 4 của nhiều tỉnh đến tháng 3, tháng 4 năm sau mới thông báo là “đánh đố” học sinh. Điều này khiến các em “vắt chân lên cổ mà chạy”. “Tôi rất thương học trò khi áp lực về thi cử”, cô Lê nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn