MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Đinh Văn Thiểu đã gắn bó suốt 12 năm với học trò vùng cao Sơn La.

Nghị lực của người thầy khuyết tật nơi vùng cao Sơn La

Hùng Dân LDO | 21/09/2022 18:31
Sơn La - Dù chỉ có một cánh tay lành lặn, thầy vẫn kiên cường bám trường, bám lớp gieo chữ cho học trò. Thắp sáng ước mơ và “truyền lửa” cho nhiều thế hệ con em vùng cao suốt 12 năm nay.

Vượt qua số phận…

Vượt qua con đường dốc đá tai mèo cheo leo, khúc khuỷu, PV Báo Lao Động tìm về trường Tiểu học Chiềng Công, xã Chiềng Công (huyện Mường La) gặp thầy Đinh Văn Thiểu – Người thầy khuyết tật gắn bó với học sinh vùng cao hơn 10 năm nay.

Thoáng chút e dè, bỡ ngỡ, sau nhiều lần thuyết phục, thầy Thiểu cũng mở lòng kể với PV câu chuyện về cuộc đời mình cũng như “cái duyên” với xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này.

Thầy Thiểu giảng bài cho học trò vùng cao tại trường Tiểu học Chiềng Công.

Thầy Thiểu sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Từ khi lọt lòng mẹ đã bị khuyết tật cánh tay trái, mọi sinh hoạt đều khó khăn, khi đi học thì bị bạn trêu đùa, cợt bỡn…

Nhưng với ước mơ đứng trên bục giảng, thầy Thiểu quyết tâm vượt qua số phận, theo học Ngành Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Hải Phòng. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, thầy tình nguyện xin về công tác tại trường Tiểu học Chiềng Công.

“Lúc mới về trường, ám ảnh nhất là đường xá, toàn dốc đá tai mèo… đối với người bình thường đã vất vả, với người khuyết tật như mình thì là “cực hình”.

Chưa kể điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề, khó chồng khó… nhiều khi đến bật khóc” – Thầy Thiểu bồi hồi nhớ lại.

Dù cánh tay trái bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như công tác, thầy Thiểu vẫn vượt qua số phận để bám trường, bám lớp.

Ở Chiềng Công, các điểm trường cắm bản cách trung tâm xã từ 5 - 30 km, đi lại rất khó khăn. Bà con chủ yếu là người Mông, La Ha nên sự bất đồng ngôn ngữ khiến việc giao tiếp, sinh hoạt và giảng dạy gặp nhiều trở ngại.

Đặc biệt, do cuộc sống còn nghèo nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con, không đủ điều kiện đưa con đến lớp. Việc vận động phụ huynh cho trẻ đến trường là cả một nỗi niềm trăn trở…

Để học sinh duy trì đến lớp, các thầy cô phải lội suối, băng rừng đến khắp các bản như Khao Lao Dưới, Co Sủ Trên, Hán Cá Thệnh… gặp từng gia đình trò chuyện, động viên trẻ tới trường.

Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp khó khăn, mua cho các em quần áo, sách vở, bánh kẹo…

Thắp sáng ước mơ con trẻ

Là chủ nhiệm lớp 5B với 33 học sinh, thầy Thiểu luôn trăn trở nghiên cứu phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu… thầy lấy hoàn cảnh và ước mơ của bản thân là câu chuyện để tâm sự, chia sẻ và "truyền lửa" tới học trò.

Đặc biệt, chứng minh cho các em học sinh thấy rằng, dù bản thân bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu cố gắng, nỗ lực sẽ biến ước mơ thành hiện thực.

Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, thầy Thiểu luôn được học trò, đồng nghiệp quý mến.

Em Giàng A Chang Đông – Lớp trưởng lớp 5B – Trường tiểu học Chiềng Công bộc bạch – con cùng các bạn rất quý, rất thương thầy chủ nhiệm, thầy giảng bài dễ hiểu lắm, lại hay mua quà cho bọn con… Con rất thích đi học, để sau này lớn được làm thầy giáo.

Thầy Đỗ Đức Tĩnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Chiềng Công đánh giá – Thầy Thiểu là giáo viên có chuyên môn, đạo đức tốt, không chỉ nỗ lực "gieo chữ" cho con em vùng cao mà còn là điểm tựa tinh thần cho học trò.

“Với 12 năm công tác tại Chiềng Công, thầy Thiểu luôn nhận được sự kính trọng, tin yêu của học sinh, của đồng nghiệp và nhân dân trong xã. Nhờ sự nhiệt huyết, gắn bó với nghề, đã truyền thụ, tiếp thêm kiến thức cho bao thế hệ học trò vùng cao Chiềng Công.

Đặc biệt, là “truyền lửa” cho các giáo viên trẻ noi theo, tiếp thêm nghị lực, vững tin với nghề, gắn bó với công tác giảng dạy tại vùng cao” – thầy Tĩnh nhận định.

Thầy Đinh Văn Thiểu mong muốn các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, cơ quan đơn vị… quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh vùng cao xã Chiềng Công.

Nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường còn là nhà tạm như điểm trường Kéo Hỏm. Tài trợ thêm sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… để học sinh nghèo nơi đây thêm “yêu trường, mến lớp” vững bước tới trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn