MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh phải thông qua môi trường và các điều kiện thực hành. Ảnh minh họa: Phan Liên

Nghi ngại chất lượng của các khoá dạy kỹ năng gắn mác "tự nguyện"

Tường Vân LDO | 07/09/2023 17:00

Rất nhiều các khoá học: Kỹ năng sống, tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh khoa học... được các trung tâm liên kết, đưa vào trường học. Điều khiến phụ huynh băn khoăn là chất lượng của các khoá học này.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị phụ huynh phản đối việc thu tiền dạy thêm kỹ năng sống trong trường tiểu học. Điều này khiến dư luận “dậy sóng” và đặt ra câu hỏi: Liệu trường học có đang bị lạm thu?

Cụ thể, ngày 6.9, một phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) phản ánh việc cô chủ nhiệm thông báo đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học thêm kĩ năng sống, 1 tuần 1 tiết bố trí vào chiều thứ 5, mức phí 15 nghìn đồng/tiết, cộng cả năm là 600 nghìn/học sinh”.

Tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học ở TP Vinh đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học thêm kỹ năng sống. Ảnh: Hải Đăng

Theo phụ huynh này, mặc dù là chương trình tự nguyện nhưng phụ huynh hầu như không thể từ chối, bởi vì tiết học được bố trí trong giờ chính khóa, nếu học sinh nào không đăng ký thì phải ra ngoài. Mặt khác khi nghe đến “kỹ năng sống” thì phụ huynh nghĩ là cần thiết và bổ ích nên không ngại ngần đăng ký.

Trước thông tin này, nhiều phụ huynh bức xúc và cho rằng đây là khoản thu rất vô lí. Họ cho rằng, hình thức dạy học này chính là biểu hiện của sự lạm thu.

Chị Nguyễn Mai Hồng - phụ huynh có con học tiểu học tại TP Vinh (Nghệ An) - cho rằng: "Câu chuyện của trường học ở Nghệ An chính là việc nhà trường tự đứng ra dạy thêm có thu phí. Theo tôi biết, ở cấp tiểu học thì không được phép tổ chức dạy thêm. Tôi băn khoăn không biết việc lạm thu có đang bị tái diễn hay không?".

Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường cũng cảm thấy bất bình trước các khoản thu vô lí mỗi dịp đầu năm học. Rất nhiều các khoá học như: Kỹ năng sống, tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh khoa học... được đưa vào các trường học. Điều đáng nói, là phụ huynh khó có thể kiểm soát chất lượng của những buổi học này.

Chị Nguyễn Bích Thuỷ - phụ huynh tại Hà Tĩnh - cho rằng việc phụ huynh không đồng ý để chi trả cho khoản thu này là hoàn toàn có cơ sở.

"Trong trường cũng đã có chương trình dạy kỹ năng sống, vậy tại sao lại phải tự "bày vẽ" ra một lớp dạy thêm kỹ năng sống của giáo viên nữa. Mặt khác, dạy kỹ năng sống phải đảm bảo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất... Trường hợp dạy 1 buổi/tuần thì e rằng không phát huy hiệu quả cho các con" - chị Thuỷ thẳng thắn nói.

Theo chị Thuỷ, việc tổ chức dạy học như trên là không phù hợp, cần xem xét lại trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.

"Cốt lõi của vấn đề vẫn là ở nhà trường. Nếu ban giám hiệu xuất phát từ cái tâm, từ tinh thần trách nhiệm quán triệt rõ, công khai, minh bạch thì sẽ không bao giờ xảy ra các khoản thu vô lý, nảy sinh vấn đề lạm thu" - chị Thuỷ nói.

Phụ huynh này cũng mong muốn: "Hiện nay, bước vào năm học mới có rất nhiều chi phí, nhà trường cần xem xét lại, tiết chế các khoản thu không đáng có. Đồng thời, tập trung ôn tập cho học sinh các kiến thức cơ bản cần thiết. Việc học kỹ năng sống chỉ nên là yếu tố bổ trợ thêm".

"Hiện nay, có rất nhiều các khoá học thêm được đưa vào chương trình trên lớp. Mặc dù không muốn, nhưng khi giáo viên đưa ra thông tin, gần như tất cả phụ huynh đều đăng kí. Nếu phải chi tiền để con có kiến thức, phát triển toàn diện thì tôi ủng hộ. Nhưng thực tế, các khoá học này hoàn toàn vô bổ" - chị Phạm Ngọc Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Ngọc Linh mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm vào cuộc, quán triệt việt đưa các trung tâm bên ngoài vào trường học, làm khó phụ huynh mỗi dịp đầu năm học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn