MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nghịch lý điểm thi thấp - tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao: Học bạ - phao cứu sinh cho xét tốt nghiệp

HUYÊN NGUYỄN LDO | 13/07/2018 06:07
Mặc dù mặt bằng điểm thi THPT quốc gia 2018 thấp hơn hẳn so với năm 2017, nhưng kết quả đỗ tốt nghiệp do Bộ GDĐT vừa công bố lại tăng.

Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do tỉ lệ thí sinh bị điểm liệt giảm và đặc biệt, học bạ chính là phao cứu sinh giúp học sinh có thể đỗ tốt nghiệp một cách dễ dàng.

97,57% đỗ tốt nghiệp

Ngày 12.7, Bộ GDĐT đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt: 97,57%; trong đó Giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt 88,37%. Theo Bộ GDĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng giáo dục của các địa phương; đồng thời phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi.

Tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT cao hơn hẳn học sinh GDTX; các tỉnh có điều kiện thuận lợi về kinh tế xã hội thì tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh ở vùng còn khó khăn. Trong đó, các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao trên 99% đều là những tỉnh có truyền thống dạy tốt học tốt như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh. Các TP.Hà Nội, TPHCM, TP.Hải Phòng có số lượng dự thi cao đều đạt tỉ lệ tốt nghiệp trên 98%.

Một số địa phương có điều kiện dạy và học còn khó khăn như: Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi có tỉ lệ đạt trên 92%; Hà Giang tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 89,35%. Khối GDTX ở một số tỉnh khó khăn thì tỉ lệ tốt nghiệp thấp như: Gia Lai 49,85%, Kon Tum 50,54%.

Nhận định về kết quả này, PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng: Tỉ lệ tốt nghiệp cao không nằm ngoài dự đoán. Với công thức tính điểm xét tốt nghiệp hiện hành thì tỉ lệ cao là đương nhiên vì điểm trung bình lớp 12 của học sinh đã rất cao rồi. Với cách thi hiện nay 8/9 môn là trắc nghiệm thì rất khó thí sinh bị điểm liệt để có thể trượt tốt nghiệp.

Cụ thể, PGS-TS Nghĩa lấy dẫn chứng từ khi các môn thi được chuyển qua hình thức thi trắc nghiệm, số lượng bài thi bị điểm liệt đã giảm rất nhanh. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016 chỉ có 4 môn thi trắc nghiệm trong tổng số 8 môn thi có đến 37.000 bài (năm 2015) và 19.000 bài (năm 2016) bị điểm liệt.

Năm 2017 và năm 2018 khi có đến 8 môn thi trắc nghiệm trong 9 môn thi, số bài thi bị điểm liệt giảm mạnh chỉ còn 6.817 bài (năm 2017) và 8.663 bài (năm2018). Đây cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao là do học bạ.

“Phao cứu sinh” cho tỉ lệ tốt nghiệp

Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM phân tích: Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng năm 2014 trước khi chuyển sang kỳ thi THPT quốc gia đã có nhiều thay đổi quan trọng: Số môn thi chỉ còn 4 thay vì 6 như những năm trước, trong đó có môn tự chọn; điểm liệt các môn được nâng lên là 1 điểm thay vì 0 điểm. Quan trọng nhất là điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trong số 50% (chưa tính điểm khuyến khích).

Cụ thể, công thức xét tốt nghiệp là tổng điểm (4 bài thi + tổng điểm khuyến khích chia 4 + điểm trung bình cả năm lớp 12) chia 2 + điểm ưu tiên. Hệ quả của công thức này thể hiện rất rõ trong kết quả thi và xét tốt nghiệp năm 2014, dù điểm liệt được nâng thành 1 điểm, tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước đã tăng cán mức hơn 99,09%, trong đó nhiều tỉnh, thành thậm chí có tỉ lệ tốt nghiệp 100%.

Tương tự với các kỳ thi gần đây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn giữ ở mức trên 90%: năm 2015 là 91,58%; năm 2016 là 92,93%; năm 2017 là 97,42%; năm 2018 là 97,57%.

Ông Nghĩa nhận định: Qua thực tế cho thấy, tỉ lệ tốt nghiệp cao có phần đóng góp không nhỏ của điểm trung bình lớp 12. Nếu so sánh điểm trung bình lớp 12 của các trường THPT đối sánh với điểm thi THPT quốc gia của chính trường đó, sẽ thấy có những trường chênh lệch đến 3-4 điểm. Vị chuyên gia này dự đoán nếu điều chỉnh công thức xét điểm tốt nghiệp thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng việc điều chỉnh sẽ khiến lượng lớn thí sinh không đỗ tốt nghiệp và chúng ta cần có giải pháp giải quyết số học sinh chưa tốt nghiệp đó là như thế nào. Đây sẽ là những vấn đề xã hội đặt ra và tìm phương án giải quyết trước khi thay đổi.

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT - cho rằng: Thực tế, nhiều trường “nói ngầm” rằng học sinh chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ tốt nghiệp bởi vì quy định hiện nay kết quả xét tốt nghiệp phụ thuộc vào học bạ khá lớn.

“Năm 2017, ĐH FPT từng đưa ra thống kế cho thấy nếu chỉ tính điểm thi với mức điểm tốt nghiệp trung bình là 5 điểm thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%. Trong khi đó, nếu theo cách tính hiện tại, điểm xét tốt nghiệp được tính một nửa là điểm thi THPT quốc gia còn một nửa tính điểm trung bình các môn học lớp 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp vẫn luôn hơn 90%. Nghĩa là cao gấp rưỡi con số tính bằng điểm thi. Như vậy có thể thấy là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT như hiện nay đang “cứu” khá nhiều học sinh đỗ tốt nghiệp nhưng thực chất là trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi” - ông Tùng cho biết.

Từ những nghịch lý này, ông Tùng đề xuất cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho 20% thí sinh có thành tích học tập thấp nhất, còn lại 80% thí sinh sẽ được miễn thi. Theo cách đó, học sinh sẽ phải học để được lọt vào top 80% để miễn thi còn lại 20% sẽ vẫn phải thi. Khi đó kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và không còn là điều gì quá khó khăn, nó chỉ là sự công nhận để đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT đề xuất thêm việc thay đổi chọn trắc nghiệm từ 1 phương án đúng sang nhiều phương án đúng để hạn chế may rủi. Ngoài ra, có thể nghiên cứu trừ điểm các đáp án lựa chọn trắc nghiệm sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn