MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng khả năng giao tiếp tiếng Anh lại không được lưu loát. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nghịch lý học sinh đạt điểm ngữ pháp cao nhưng không nói được tiếng Anh

Trà My LDO | 06/11/2023 20:26

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, học sinh học tiếng Anh đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng khả năng giao tiếp lại không được lưu loát.

Điểm ngữ pháp cao nhưng chưa chắc đã nói tiếng Anh tốt

Hiện nay, học sinh Việt Nam học tiếng Anh nhưng chưa có môi trường để giao tiếp, thực hành. Ngoài ra, các bài thi, trong đó có bài thi tốt nghiệp THPT, không đánh giá kỹ năng nghe - nói nên chưa phát huy hết khả năng của người học.

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, trao đổi với Báo Lao Động ngày 6.11, thầy Nguyễn Ngọc Nam - giảng viên Khoa Quản trị du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đưa ra quan điểm như sau:

"Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên đạt điểm ngữ pháp tốt nhưng lại không thể nói tiếng Anh có thể là do phương pháp giảng dạy truyền thống thường nhấn mạnh vào việc học thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng mà thiếu đi cơ hội thực hành thực tiễn.

Học sinh có thể giải thích chính xác các quy tắc ngữ pháp, nhưng lại không có đủ khả năng áp dụng một cách linh hoạt trong giao tiếp tự nhiên do thiếu vắng cơ hội luyện nói và nghe trong các tình huống gần gũi với thực tế" - thầy Nam chia sẻ.

Cũng theo giảng viên này, khi tập trung quá mức vào ngữ pháp, học sinh thường đề cao sự chính xác và hoàn hảo, từ đó hình thành nỗi sợ mắc lỗi khi giao tiếp.

"Nỗi sợ bị bắt lỗi khi giao tiếp bằng tiếng Anh khiến học sinh không thể áp dụng ngữ pháp trôi chảy trong giao tiếp thực tế, điều này gây cản trở không nhỏ trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và linh hoạt" - thầy Nam bày tỏ.

Đồng quan điểm với thầy Nam, cô Bùi Phương Lan - giáo viên tiếng Anh của một trường THPT Kiến Thuỵ (Hải Phòng) cho biết, có những học sinh trên lớp đạt điểm 9, 10 môn tiếng Anh về ngữ pháp nhưng khi giao tiếp thì lại không tự tin.

"Có những học sinh đạt điểm tuyệt đối bài làm tiếng Anh nhưng khả năng tương tác, giao tiếp ngoại ngữ lại không như mong đợi" - cô Phương Lan nói.

Cần đa dạng môi trường học ngoại ngữ

Theo cô Phương Lan, nếu không có môi trường giao tiếp để thực hành tiếng Anh, học sinh sẽ thiếu đi kỹ năng cần thiết để nói chuyện một cách tự tin và hiệu quả.

"Ngoài trang bị một nền tảng kiến thức tốt thì học sinh cần áp dụng đa dạng các phương pháp học ngoại ngữ trong cùng một khóa hay một môn học. Các em có thể luyện nói với người bản xứ, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, học tiếng Anh với các ứng dụng luyện nói để kiểm tra trình độ ngoại ngữ của mình..." - cô Lan chia sẻ.

Về phía thầy Nam, để cải thiện việc giao tiếp tiếng Anh tốt hơn, thầy giáo này đưa ra đề xuất:

"Cần chuyển hướng sang phương pháp giảng dạy hướng đến giao tiếp mang tên Communicative Language Teaching - CLT - phương pháp này nhấn mạnh vào việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp thực tế và khuyến khích học sinh thực hành ngôn ngữ thông qua các hoạt động như đóng vai, thảo luận nhóm, giao tiếp với người bản xứ.

Tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ trong một môi trường đa dạng và mở rộng. Ví dụ, sinh viên có thể tham gia các diễn đàn trực tuyến nơi họ phải thảo luận và bảo vệ quan điểm của mình bằng tiếng Anh, hoặc tham gia vào các trò chơi trực tuyến để rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ trong tình huống giả định" - thầy Nam đưa ra giải pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn