MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành giáo dục Long An đứng trước nghịch lý thiếu - thừa giáo viên. Ảnh: An Long

Nghịch lý ở Long An: Thiếu hơn 1.400 giáo viên nhưng vẫn… thừa

AN LONG LDO | 27/03/2022 06:36

Ngành giáo dục ở Long An thời gian qua vẫn tồn tại nghịch lý là vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Ngày 26.3, Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức chương trình đối thoại về vấn đề này để tìm nguyên nhân, bàn giải pháp khắc phục.

Nghịch lý thiếu - thừa

Theo phân tích, đánh giá, thời gian qua, Sở GD-ĐT, các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương, các cơ sở giáo dục đã có nhiều cố gắng, chủ động tuyển dụng, điều chuyển, phân bổ, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đảm bảo cho công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý cả về số lượng và cơ cấu giáo viên ở từng cấp học, trường học, môn học.

Thực trạng là đủ giáo viên theo biên chế nhưng thừa giáo viên bộ môn, thiếu giáo viên chuyên ngành như âm nhạc, mỹ thuật, hoặc thiếu giáo viên theo biên chế nhưng thừa giáo viên ở một số bộ môn,...

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An Phan Thị Dạ Thảo thông tin: Hiện nay, tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý có 16.436 người, trong đó giáo viên trực tiếp đứng lớp là 15.155. Cụ thể theo từng cấp: Mầm non có 2.784 giáo viên, còn thiếu 297 giáo viên; Tiểu học có 5.807 giáo viên, còn thiếu 538 giáo viên; THCS có 4.252 giáo viên, còn thiếu 436 giáo viên; THPT có 2.312 giáo viên, còn thiếu 136 giáo viên.

Như vậy, tổng các cấp học toàn tỉnh còn thiếu 1.407 giáo viên. Tuy nhiên, tại một số địa phương lại thừa giáo viên. Như cấp THCS, Thành phố Tân An thừa 43 giáo viên, Tân Hưng thừa 32 giáo viên, Tân Trụ thừa 29 giáo viên, Mộc Hóa thừa 12 giáo viên,…

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thừa giáo viên là do thực hiện các quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo về định mức giáo viên trên lớp theo từng môn học. “Ví dụ: 1 trường được định mức 3,5 giáo viên môn văn, nếu tuyển 3 giáo viên thì thiếu so với định mức, giáo viên phải dạy tăng tiết, vượt giờ; nếu tuyển 4 giáo viên thì sẽ thừa so với quy định. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều trường THCS và kéo dài trong nhiều năm” - bà Thảo phân tích.

Về nguyên nhân thiếu giáo viên, do số học sinh từng cấp học tăng, làm tăng đột biến số lớp, do đó phải tăng nhu cầu giáo viên. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, nâng trình độ chuẩn giáo viên nên các sinh viên ngành sư phạm đã được đào tạo trước đây nhưng chưa đạt chuẩn mới thì không được tuyển dụng dẫn đến thiếu nguồn để bổ sung giáo viên. Mặt khác, đa phần sinh viên sư phạm tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm việc làm nên không đăng ký tuyển dụng về các địa phương. Cùng với đó, chế độ tiền lương thấp cũng là nguyên nhân không thu hút được sinh viên sau khi tốt nghiệp vào công tác ở ngành giáo dục...

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng cũng gặp khó khăn, nguồn tuyển dụng khan hiếm, số lượng giáo viên tuyển dụng được rất ít so với nhu cầu, chưa đảm bảo theo biên chế được giao. Chẳng hạn năm 2021, qua 2 đợt, huyện Đức Hòa chỉ tuyển được 77/409 chỉ tiêu, đạt 18,82%; huyện Cần Giuộc chỉ tuyển được 86/308 chỉ tiêu, đạt 27,92%.

Song song đó, công tác thống kê, dự báo về nhu cầu mở rộng, phát triển trường, lớp gắn với biên chế ngành giáo dục còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Quy trình, thời gian tuyển dụng giáo viên có mặt còn bất cập, chưa hợp lý. Chế độ, chính sách thu hút và giữ chân giáo viên, nhân viên chưa đủ mạnh, chưa thật sự hấp dẫn. Đặc biệt là thu nhập của nhân viên y tế, kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị hiện rất thấp (trung bình trên dưới 3 triệu/tháng cho người mới ra trường). Vì vậy, tâm lý giáo viên vẫn muốn tìm địa phương có chế độ, chính sách cao hơn (cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương giáp với Long An).

Tìm hướng giải quyết

Bà Phan Thị Dạ Thảo cho hay, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát số lượng giáo viên thừa và giải quyết bằng cách điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu; phân công dạy liên trường; giải quyết chính sách đối với những trường hợp dôi dư không thể bố trí.

Đối với những nơi thiếu giáo viên, sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng theo đúng quy trình, bảo đảm rút ngắn thời gian; đẩy mạnh công tác tạo nguồn tuyển dụng thông qua đặt hàng với các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm, đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên,...

Giám đốc Sở Nội vụ Long An Võ Thanh Phong cho rằng, để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo số học sinh, số lớp, làm cơ sở xác định nhu cầu giáo viên cần bố trí trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là đối với các huyện có tỉ lệ dân nhập cư cao như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Với chức năng và nhiệm vụ của ngành, Sở Nội vụ cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức tập huấn về quy trình, nghiệp vụ để các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, triển khai kịp thời hơn; tiếp tục phối hợp kịp thời với Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện trong việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng mà đơn vị đề nghị...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn