MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp ngày 18.3 tại Bộ GDĐT.

Nghiên cứu cơ sở khoa học quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học

Thu Hà LDO | 18/03/2021 18:39
Ngày 18.3, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.

Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện; PGS.TS Hoàng Minh Sơn là chủ nhiệm đề tài.

Báo cáo về những đóng góp chủ yếu của đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Đề tài đã đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số định hướng hệ thống và bộ tiêu chí phân loại, phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Trên cơ sở bộ tiêu chí phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học đề xuất, nhóm nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và bản demo quy hoạch. Cùng với đó, đề xuất phần mềm phân cụm, phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học và thuật toán phân nhóm hay phân cụm các cơ sở giáo dục đại học.

Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả của đề tài.

Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm từ các nước và phương án quy hoạch đề xuất và bản demo quy hoạch, đề tài đề xuất các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, nêu rõ các quan điểm định hướng, mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một số cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đề tài công phu, phương pháp tiếp cận, thực hiện đề tài phù hợp.

Kết quả lớn nhất, theo GS Đức, là đã đề xuất được phương án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và bản demo quy hoạch theo 03 kịch bản, chạy mô hình cho 176 cơ sở giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu này cơ bản phù hợp để chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước sử dụng.

GS Nguyễn Đình Đức cũng trao đổi thêm một số gợi ý, trong đó, cần làm rõ hơn tác động của bối cảnh mới với tự chủ đại học và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với quy hoạch. Bên cạnh quy hoạch mạng lưới theo khu vực địa lý, đề tài nên bổ sung quy hoạch theo lĩnh vực. Đồng thời, cần cập nhật hóa thông tin và số liệu thống kê để đảm bảo tính thuyết phục, khoa học.

Đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đề tài có nhiều sản phẩm tốt, cách tiếp cận hiện đại và định tính các lập luận cao.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp.

Để tiếp tục hoàn thiện đề tài, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, khả thi, hiệu quả, Bộ trưởng lưu ý nhóm nghiên cứu cần đưa ra các luận cứ, kiến giải rõ ràng, thuyết phục, khoa học. Cách đặt vấn đề về đại học định hướng nghiên cứu, đại học định hướng ứng dụng cũng cần linh hoạt, tôn trọng tự chủ của nhà trường.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, đề tài cần có định hướng mở rộng đại học tư thục, đại học có vốn đầu tư của nước ngoài với mô hình đại học của tương lai, như khu đại học, hoặc đại học thông minh, đại học số,… Quy hoạch cũng cần quan tâm triển khai theo không gian, khu đại học kết hợp với khu đổi mới sáng tạo, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, hạ tầng kết nối để thu hút đầu tư và động lực.

Việc lập quy hoạch phải tính đến sứ mạng của đại học đối với cộng đồng, đất nước chứ không phải tính hiệu quả thuần túy; đồng thời, tính đến tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và định hướng kinh tế xã hội đất nước, cũng như làm sâu hơn mối quan hệ với quy hoạch vùng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố qua 4 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế; 1 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị trong nước (vượt 3 bài) và 3 bài đăng trong tạp chí trong nước (vượt 1 bài). Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã đào tạo thành công 3 học viên cao học tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (vượt 1 học viên so với đăng ký).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn