MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù sắp khai giảng nhưng thiếu giáo viên đang là vấn đề nhức nhối ở một số địa phương. Ảnh: Tường Vân

Ngổn ngang nỗi lo thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Tường Vân LDO | 23/08/2022 11:14

Năm học 2022 - 2023 đã cận kề, nhưng nhiều trường học, địa phương còn thiếu trầm trọng giáo viên, khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Khó đáp ứng nguyện vọng của học sinh

Ngay từ khi con gái học lớp 9, gia đình chị Trần Thị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội) đã tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023. Nhận định con học đuối ở các môn khoa học tự nhiên và có năng khiếu vượt trội về hội họa, chị Hương dự định sẽ chọn tổ hợp có môn Mỹ thuật để con theo học.

Thế nhưng, khi nhận được thông báo về việc lựa chọn tổ hợp môn vào lớp 10 trong năm học tới, gia đình chị khá bất ngờ khi học sinh chỉ được lựa chọn 1 trong 6 tổ hợp môn đã được nhà trường xây dựng sẵn và trong đó không có môn Mỹ thuật hay Âm nhạc.

"Không phải riêng trường con tôi, đa số các trường THPT công lập đều không đủ giáo viên, cơ sở vật chất để dạy học các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật. Đây là khó khăn chung và mình phải chấp nhận" - chị Mai Hương bày tỏ. 

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) - cũng nhận định, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất để dạy những bộ môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật là khó khăn chung của các trường THPT hiện nay. Do đó, năm học tới, nhà trường tạm thời chưa triển khai các môn học nêu trên.

"Chúng tôi cũng đã đăng kí với Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về cơ sở vật chất, con người. Trong năm học tới, nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, nhà trường sẽ đưa các môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào chương trình để học sinh có thêm sự lựa chọn" - thầy Dương nói.

Trăn trở nỗi lo thiếu giáo viên

Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - cho biết, năm 2021 - 2022, tỉnh được bổ sung 2.800 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên.

"Thiếu giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc đáng lo khi chương trình mới đang được thực hiện" - ông Thành nói.

Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GDĐT.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành Giáo dục.

Trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022, Bộ GDĐT cũng thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT).

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn. Một số nơi còn phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên làm việc kiêm nhiệm công tác phòng dịch dẫn tới lao động giáo viên chịu nhiều áp lực.

Dù còn nhiều khó khăn, bộn bề, thời điểm này, các trường đang gấp rút chuẩn bị, đảm bảo tiến độ cho năm học mới.

Các thầy cô tại Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội đang tham gia tập huấn, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn để nắm được nội dung, kiến thức sẽ truyền đạt cho học sinh. 

"Năm học tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới khiến nhà trường có nhiều biến động về đội ngũ giáo viên, biến động trong việc sắp xếp thời khóa biểu để đảm bảo quy định về môn học mới.

Sẽ còn rất nhiều khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian, công sức thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có hiệu quả tích cực" - cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho năm học mới, thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho hay, các giáo viên vẫn đang đi tập huấn theo lịch của Sở GDĐT Hà Nội. Thời gian tập huấn kéo dài hết tháng 8.

"Năm học mới, lại áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đương nhiên sẽ có nhiều khó khăn, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khó đến đâu sẽ cần cố gắng khắc phục, tháo gỡ đến đấy để đảm bảo chất lượng giảng dạy" - thầy Dương bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn