MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Em Vũ Đức Quang có 8 năm chở bạn đến trường. Ảnh: Lan Nhi

Người 8 năm “chở” ước mơ đến trường của cậu bé sinh ra nặng 1,8kg

Lan Nhi - Phạm Đông LDO | 01/12/2019 15:52

Vũ Hoàng Nguyên sinh ra nặng 1.8kg, lại mắc bệnh tim bẩm sinh và khiếm thính nên việc đến trường là điều tưởng như không thể. Bằng nghị lực sống mình, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của người bạn thân, Nguyên vẫn đang từng ngày viết tiếp ước mơ đến trường.

8 năm được bạn đưa đến trường

Ngày biết tin đứa con đầu lòng không may bị dị tật bẩm sinh từ trong bào thai, chị Vũ Thị Lay (sinh năm 1983, thôn Nghĩa Lập, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã cố kìm nén nỗi đau và giấu đi những giọt nước mắt.

Người mẹ trẻ không nỡ bỏ đi “giọt máu” của mình mà sẵn sàng đón nhận đứa trẻ khiếm khuyết bằng tình yêu thương bản năng của người mẹ. Năm 2006 Nguyên sinh ra chỉ nặng vỏn vẹn 1.8kg, còi cọc, gầy nhom, lại mắc bệnh tim bẩm sinh và khiếm thính nặng, không thể nói được như người bình thường.

Từ nhỏ Vũ Hoàng Nguyên (bên trái) đã bị bệnh tim bẩm sinh, khiếm thính nặng và không thể nói được như người bình thường. Ảnh: LN

Sức khỏe yếu, tuổi thơ của em Vũ Hoàng Nguyên là chuỗi ngày nhập viện rồi lại xuất viện. Nguyên "quen" mùi thuốc hơn mùi sữa mẹ. Lớn lên, cậu bé nhỏ nhắn đến trường lại phải đối mặt với những lời chê bai, chọc ghẹo của bạn bè.

Nguyên không nói được, cũng chẳng thể nghe rõ điều gì từ cuộc sống xung quanh. Khi Vũ Đức Quang - cậu bạn thân ra hiệu hỏi rằng: “Nguyên có thích đi học không?”, em bẽn lẽn cười và chỉ vào chiếc cặp đầy ắp sách vở.

Tình bạn đẹp của em Vũ Đức Quang và em Vũ Hoàng Nguyên. Ảnh: LN

Suốt 8 năm qua, bất kể mùa đông giá rét hay ngày hè chói chang, cậu bé Quang đều sang nhà chở Nguyên đến lớp bằng chiếc xe đạp cọc cạch của mình. Con đường tới trường cách nhà 3km, tuy xa xôi, gập ghềnh khó đi... nhưng chưa hôm nào em lỡ hẹn. Quang giúp bạn bằng tất cả sự hồn nhiên chân thật nhất, đơn giản vì em không muốn nhìn thấy Nguyên ngồi khóc khi phải nghỉ học ở nhà.

Suốt 8 năm qua, Quang đều chở bạn đến lớp trên chiếc xe đạp của mình. Ảnh: LN

Hành trình viết tiếp những ước mơ

Nhà gần nhau, lại học cùng lớp, tình bạn của Quang và Nguyên cứ vậy gắn bó bền chặt theo lẽ tự nhiên nhất. Hiểu nhau qua từng ánh mắt, cử chỉ, đến mức Quang chỉ cần múa múa cái tay, hất hất cái chân là cậu bé Nguyên ngay lập tức chạy vào nhà thay quần áo, nhanh chóng ra sân cỏ ở đầu làng chơi đá bóng.

Ngày ngày ríu rít chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ, hay lúc chụm đầu vào nhau khi ôn bài... đó là những hình ảnh quen thuộc mà khi nhắc tới, người dân trong thôn Nghĩa Lập đều hết lòng cảm phục, quý mến.

Thời gian rảnh rỗi, Quang tranh thủ sang nhà Nguyên chỉ bài cho bạn bằng ngôn ngữ kí hiệu em học được. Ảnh: LN

“Ở lớp, Nguyên không thể tiếp thu bài như các bạn bình thường, cũng chẳng thể nói hay xung phong phát biểu ý kiến, thắc mắc của bản thân. Vì vậy, trong mỗi tiết học, em luôn cố gắng chăm chú nghe thầy cô giảng bài để nắm chắc kiến thức rồi truyền đạt lại cho Nguyên bằng ngôn ngữ của người khiếm thính. Chúng em đều mong rằng, cả hai sẽ cùng nhau học lên cấp 3 trường huyện, thực hiện những ước mơ của mình” - em Vũ Đức Quang chia sẻ.

Nguyên mong ước mình luôn khỏe mạnh và có cơ hội được gặp cầu thủ Quang Hải - người mà em thần tượng. Ảnh: LN

Trao đổi với Lao Động, cô Nguyễn Thị Bích Yến - Giáo viên phụ trách môn Toán lớp 8B, Trường THCS Châu Can cho biết: Quang và Nguyên đều là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.

Theo cô Yến, chính nghị lực và tình bạn đẹp của hai em Vũ Đức Quang và Vũ Hoàng Nguyên là tấm gương sáng để học sinh trong trường noi theo, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn