MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời vào tối 27.11.

Người cuối cùng trong 'tứ trụ' Sử học của Việt Nam đã qua đời

Đặng Chung LDO | 28/11/2019 10:17

Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong tứ trụ của sử học Việt Nam đương đại, người được mệnh danh là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20, đã qua đời vào tối 27.11, hưởng thọ 82 tuổi.

Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời vào 21 giờ 2 phút ngày 27.11 tại Bệnh viện Lão khoa (Hà Nội) sau thời gian dài bị đột quỵ. Sự ra đi của ông là mất mát rất lớn của ngành sử học và ngành khoa học xã hội Việt Nam.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du).

Khi còn nhỏ, GS Hà Văn Tấn sống và học tập ở quê hương, thừa hưởng truyền thống gia đình, dòng họ và mảnh đất văn hiến nơi ông sinh ra.

Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử–Địa và được giữ làm cán bộ giảng dạy.  Ông gắn bó với nghề dạy học suốt nửa thế kỷ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

GS Hà Văn Tấn (thứ hai từ phải qua, hàng đứng) cùng các GS sử học chụp ảnh lưu niệm với cố GS Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh: tư liệu

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn cũng từng là chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa lịch sử (1982 - 2009); Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Ông thông thạo 7 ngoại ngữ: Tiếng Hán, tiếng Pháp. tiếng Anh, tiếng Nga, Đức, Nhật và tiếng Sanskrit; công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học.

Đặc biệt,  ông cùng với ba giáo sư khác là Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng là 4 nhà nghiên cứu xuất sắc được giới sử học và khoa học xã hội trong nước phong là "tứ trụ" của sử học Việt Nam.

Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000) và nhiều huy chương khác. 

Trong số hàng trăm công trình khoa học Giáo sư Hà Văn Tấn để lại, một công trình từng gây xôn xao dư luận là cuốn "Kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13" (cùng viết với Phạm Thị Tâm) xuất bản năm 1968.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng hết lời khen ngợi công trình này, coi cuốn sách là một công trình sử học nghiêm túc, có nhiều khám phá mới, đồng thời, cuốn hút bạn đọc hơn cả một bộ tiểu thuyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn