MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP.Vũng Tàu có nhiều tìm tòi sáng tạo trong đổi mới phương pháp giáo dục ở địa phương.

Người đam mê “khơi nguồn sáng tạo” cho học sinh

Hà Anh Chiến LDO | 09/07/2019 13:40

Lịch sử là môn dễ khiến nhiều học sinh cảm thấy khó học, nhưng điều đó không xảy ra tại Trường Tiểu học Quang Trung, TP.Vũng Tàu, khi nhà trường không bắt các em học sinh thuộc lòng bài học. Việc dạy và học lịch sử của trường đã chuyển sang phương pháp vừa chơi vừa học, tăng cường tương tác cho học sinh, giúp các em vui vẻ, thoải mái vì có trải nghiệm thú vị.

Đó là một trong rất nhiều cách mà trong những năm qua, cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung đã tìm tòi sáng tạo để giúp các em học sinh được tiếp thu đầy đủ kiến thức nhất nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ và hào hứng.

Tiên phong đổi mới giáo dục

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Quang Trung luôn là ngôi trường có những hoạt động tiên phong trong phong trào đổi mới giáo dục tại TP.Vũng Tàu. Dấu ấn đó đến từ lòng yêu nghề, niềm say mê với công việc của cô Việt Hoa, tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng khơi dậy sự sáng tạo của các em học sinh.

Sau cuộc thi “Tự hào bước chân Con Rồng Cháu Tiên” và giành giải nhất cho tập thể có nhiều bài dự thi nhất, thầy và trò nhà trường đã tiếp tục duy trì và phát huy sáng tạo, mang lại luồng gió mới trong việc dạy và học môn lịch sử, được đông đảo giáo viên và học sinh hồ hởi đón nhận.

Điểm nổi bật là nhà trường không còn bắt các em phải thuộc lòng bài học, việc dạy và học lịch sử của Trường Tiểu học Quang Trung hiện đã chuyển sang phương pháp vừa chơi vừa học, tăng cường tương tác cho học sinh giúp các em vui vẻ, thoải mái, vì có trải nghiệm thú vị.

Cô Việt Hoa cho biết, việc dạy lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn ở khối lớp 4, 5, thầy cô giáo dạy môn lịch sử nhận được sự hỗ trợ chuẩn bị tư liệu cho môn học của học sinh, nhờ vậy học sinh hứng thú học, lĩnh hội kiến thức tốt hơn, ghi nhớ sự kiện lịch sử dễ dàng hơn.

Từ những hoạt động thiết thực đó đã tạo nên những đổi thay tích cực trong việc dạy và học môn lịch sử tại ngôi trường này. Vào bất cứ một giờ học chuyên đề lịch sử nào ở Trường Tiểu học Quang Trung, các em học sinh cũng đều cảm thấy thích thú bởi được xem những hình ảnh, tư liệu minh họa cho bài học, và hào hứng trao đổi, thảo luận với giáo viên về đề tài.

Trường còn cho thiết kế “góc sáng tạo” dành cho cô và trò thỏa sức sáng tạo được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm sân trường với nhiều hình ảnh sinh động, đẹp mắt. Đây cũng chính là không gian để cô và trò trường Quang Trung cho ra đời những bức tranh, những tấm thiệp hay những chiếc nón lá vô cùng độc đáo theo các chủ đề, trong đó có chủ đề về lịch sử.

Có thể thấy, phương pháp dạy và học theo hướng tích cực không chỉ giúp cải thiện thành tích của nhà trường mà còn giúp thay đổi mối quan hệ thầy - trò. Giáo viên không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức để học sinh tiếp nhận mà còn là sự phản ánh trở lại của các em, như vậy kiến thức sẽ  được khắc sâu và phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Sự đổi mới này đã trút bớt gánh nặng học sử và tạo niềm hứng khởi, đam mê cho nhiều học sinh trong hành trình tìm hiểu cội nguồn dân tộc, di tích lịch sử địa phương.

Cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP.Vũng Tàu có nhiều tìm tòi sáng tạo trong đổi mới phương pháp giáo dục ở địa phương

Truyền ngọn lửa đam mê cho đội ngũ giáo viên

Lý giải về những hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giáo dục và áp dụng hiệu quả thực tiễn, cô Việt Hoa chia sẻ: “Muốn thành công, trước tiên người lãnh đạo phải “cháy lửa” nhiệt huyết để làm gương, từ đó “truyền lửa” cho đội ngũ giáo viên để tạo cảm hứng trong mỗi bài giảng trên lớp, để các thầy cô lại tiếp tục lan tỏa “ngọn lửa” tri thức, đạo đức cho học sinh học tập, rèn luyện, giúp các em lớn lên và trưởng thành theo đúng định hướng của giáo dục”.

Cô Việt Hoa xác định, trong thời đại công nghệ 4.0, ngành giáo dục càng phải nỗ lực đổi mới đi trước và phải “đổi mới căn bản toàn diện”. Để bồi dưỡng, đào tạo nên những con người toàn diện thì nhà giáo, nhất là người quản lý giáo dục cần phải có 3 chữ “động”: Tâm động, để tìm tòi, sáng tạo; chủ động, để tự tin, mạnh dạn trong đổi mới; vận động, để làm việc hiệu quả.

Từ những suy nghĩ ấy, những năm qua, ở những ngôi trường mà cô Việt Hoa từng gắn bó, cô đã để lại nhiều thành tích đáng nể. Chỉ riêng tại Trường Tiểu học Quang Trung, với sự lãnh đạo của cô Hoa, từ tháng 9.2015, đã hoạt động theo một phong cách mới để đem lại diện mạo mới và luôn tiên phong trong các hoạt động đổi mới giáo dục.

Ngoài ra, cô Việt Hoa còn được ghi nhận là người luôn quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần, tâm hồn của các giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ do trường có 104 người thì có đến 103 phụ nữ.

Trong 3 năm học vừa qua, tập thể nhà trường đã phấn đấu và có sự phát triển vượt bậc, đạt nhiều danh hiệu của nhà trường và giáo viên giỏi. Hàng năm, trường có 100% học sinh đạt các yêu cầu về phẩm chất; trên 90% học sinh được khen thưởng về thành tích học tập và rèn luyện; nhiều học sinh đạt giải trong các hội thi các cấp. Với những đóng góp không ngừng nghỉ, trong những năm qua, cô Vũ Thị Việt Hoa đã nhận được nhiều phần thưởng: 14 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 1 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn