MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở lớp học tình thương của thầy Nguyễn Văn Tưởng (phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), đa số các em chưa được đến trường. Ảnh: P.LINH

Người gieo chữ trên “lầu 7”

P.LINH LDO | 23/11/2019 08:12

Đã 15 năm, mỗi đêm, lớp học trên triền dốc được gọi với cái tên “lầu 7” (tổ 19, phường Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa) lại nghe tiếng ê a học bài của hàng chục đứa trẻ chưa một lần được đến trường. Và chỉ có tình thương làm động lực để người thầy miệt mài cuốc bộ qua từng ngõ hẻm đầy kim tiêm tìm các con… để dạy học.

Thầy đi tìm trò

Đêm trước Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) lất phất mưa phùn, chúng tôi theo chân người dẫn đường để “an toàn” đến được lớp học của thầy giáo Nguyễn Văn Tưởng - thiếu tá Đồn biên phòng Cầu Bóng. 19 giờ vào lớp, tiếng thầy Tưởng: “Gấu đâu? Sẻ, em con đâu? Tiến, chị con đâu sao chưa lên lớp”… rồi thầy lại đi ra cổng ngóng. Thầy Tưởng cười xòa với chúng tôi: “Để đi tìm mấy cháu đã. Chúng nó không lên lớp là không yên tâm”. Dáng thầy nhỏ, đội mưa chạy nhanh vào hẻm tối đi tìm học sinh.

Lớp học đặc biệt này được Đồn biên phòng Cầu Bóng mở từ năm 2004. Lúc ấy, thầy Nguyễn Văn Tưởng vừa về nhận công tác tại đồn với vai trò là nhân viên vận động quần chúng phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Tiếp xúc với người dân khu phố nổi tiếng tệ nạn, anh Tưởng cứ trăn trở hình ảnh các em nhỏ ở tổ 17, 18, 19, 20 hằng ngày đi bán hàng rong, bán vé số, lang thang. Những câu chuyện đám trẻ con “lầu 7” không biết chữ, vi phạm pháp luật thôi thúc anh Tưởng vận động, duy trì lớp học tình thương.

“Môi trường sống của các cháu ở đây trộm cắp, tệ nạn có cả, rồi hoàn cảnh gia đình đều “chắp vá”… nên tôi đến từng nhà, biết hoàn cảnh từng cháu để tìm mọi cách đưa cháu đến lớp. Hôm nào có cháu vắng, tôi lại phải đi tìm cho được để xem sao không đi học vì chỉ sợ các cháu bị rủ rê theo bọn xấu” - thầy Tưởng chia sẻ.

Lớp học bắt đầu từ 19-21 giờ hằng ngày trong tuần. Thầy Tưởng chuẩn bị sách cũ xin lại của các trường, vở và bút xin của mạnh thường quân trang bị cho các em. Tấm bảng trắng được chia cho 4 trang giáo án: Lớp 1-2, lớp 3-4, lớp 5 và lớp kỹ năng sống cho những em đã đi làm. Vừa biên từng nét chữ cái vừa đọc mẫu cho các em lớp 1, thầy xoay sang viết chính tả cho các em lớp 3-4. Xong lớp 3-4, thầy lại quay sang mở rộng vốn từ cho các em lớp lớn hơn. Và thầy kể tiếp chuyện dạy cho các em lớn hơn phải biết bảo vệ những người yếu thế… Vừa dạy, vừa dỗ bởi ngay giữa lòng thành phố nhưng với những em học sinh ở đây, các em thiếu đủ thứ.

Còn đó trăn trở của người thầy

Thỉnh thoảng, thầy lại cho gạo, bánh trái để phụ các em giúp gia đình, không bỏ học. Em N.Đ.T (13 tuổi) cùng chị gái đã học ở lớp 4 năm nay. Không có bố, theo mẹ trôi dạt đến “lầu 7”, T suýt bị các đối tượng nghiện hút thuê đưa ma túy. “Nhờ thầy đưa 2 chị em về đi học, em biết được chữ. Thầy còn dạy em biết tránh bọn xấu, dạy em đạo làm người. Em sẽ học tốt để xin đi học nghề”- T cho biết. Từ e dè, né tránh, đến nay cả khu “lầu 7” tin và quen dần với hình ảnh thầy Tưởng đi tìm học sinh mỗi tối.

Bớt thời gian dành cho gia đình để dõi theo các em ở lớp tình thương, động lực duy nhất với người lính mang trên mình chữ thầy là tình thương. “Không thương không làm được. Nhìn các em hoàn cảnh thiệt thòi, sống môi trường phức tạp thế này, gieo được cái chữ để các em biết đọc là mừng rồi. Ở lớp của tôi, có khi một chữ học đi học lại cả tuần nhưng tôi vẫn kiên trì cùng các em học và dạy”- thầy Tưởng nói.

Với các em ở khu dân cư Vĩnh Phước thiếu nhất là gia đình trọn vẹn, sự quan tâm bởi vậy trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Tưởng không mong cho mình mà vẫn trăn trở: Hơn 100 em học sinh đã trưởng thành từ lớp tình thương. Có em có công ăn việc làm ổn định nhưng cũng có em không được vậy. Tôi chỉ mong xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp cởi mở hơn với các em, tạo điều kiện cho các em học và làm nghề để cuộc sống tốt hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn