MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu nhi tiêu biểu đề xuất ý kiến với lãnh đạo TPHCM

Người lớn giáo dục trẻ em luật giao thông nhưng lại vượt đèn đỏ

Anh Nhàn LDO | 16/02/2019 14:45
Người lớn thường giáo dục cho trẻ em Luật Giao thông nhưng lại vượt đèn đỏ; lớp học quá đông khiến học sinh khó tiếp thu bài; bảng xếp hạng học tập tạo cho học sinh nhiều áp lực là những ý kiến sôi nổi được thiếu nhi tiêu biểu thành phố trình bày trước lãnh đạo TPHCM trong chương trình “lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Kỷ Hợi” diễn ra sáng 16.2.

Lớp học quá đông, bảng xếp hạng đem đến cho học sinh  (HS) nhiều áp lực

Em Nguyễn Đạt Mẩn (Trường THCS Lê Qúy Đôn, quận Thủ Đức) cho hay, sĩ số lớp học quá đông làm cho chất lượng học tập không đảm bảo. “Các lớp học có số lượng lên đến 45-50/HS/lớp, trong khi tiết học chỉ diễn ra 45 phút nên có những câu hỏi giáo viên không đủ thời gian trả lời từng học sinh”.

Cùng ý kiến với Đạt Mẩn, em Ngô Triệu Vy (THCS Linh Trung, Thủ Đức) chia sẻ, lớp học số lượng đông nên một số trường không tổ chức dạy 2 buổi/ ngày làm học sinh khó tiếp thu kiến thức. Cùng với đó, em Vy chia sẻ những gánh nặng của học sinh vì bảng xếp hàng thành tích.

“Nhiều phụ huynh có tâm lý so sánh điểm số, xếp hạng giữa các em học sinh khiến chúng em rất mệt mỏi” – Triệu Vy chia sẻ.  

Trong khi đó, em Quốc Việt (quận 2) lại có những hiến kế “tái sử dụng" sách giáo khoa. “Sách giáo khoa sau khi học sẽ được các bạn học sinh TPHCM bán giấy vụn trong khi các học sinh miền núi lại không có sách học. Em đề xuất sau mỗi năm học, trường cần tổ chức quyên góp sách và gửi sách lên các học sinh miền núi để san sẻ khó khăn đối với các bạn”- Quốc Việt nói.

Trả lời trực tiếp những thắc mắc, trăn trở của thiếu nhi, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TPHCM - cho biết: “Chương trình giáo dục thành phố đang hướng tới là xây dựng chương trình tăng trải nghiệm thực tế, giảm lý thuyết để tránh gây áp lực cho học sinh. Về sĩ số, số học sinh tăng lên hằng năm, đặc biệt quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất thì Sở GDĐT TPHCM sẽ ghi nhận điều này. Thời gian tới, Sở sẽ làm việc với quận Thủ Đức để bố trí lớp học cho phù hợp”.

Nhiều hiến kế bảo vệ môi trường

Bên cạnh những vấn đề về dạy và học, các ý kiến về việc xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp cũng được các em thiếu nhi bày tỏ sôi nổi.

Nhiều ý kiến thiết thực của thiếu nhi TPHCM được trình bày tại buổi trao đổi.

Em Nguyễn Đức Bình Mẫn (Trường THCS Bình An, quận 8) đề xuất xây dựng thêm các nhà máy sản xuất túi giấy, túi vải vì số lượng này còn quá ít. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho học sinh sử dụng loại túi này để bảo vệ môi trường.

Kể câu chuyện ngay tại khu phố mình, một em học sinh quận 12 cho hay, nơi em ở thường mất các thùng rác có gắn các bánh xe lăn và người dân còn tự ý đốt rác thải chưa qua xử lý. Vì vậy, rất cần tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. 

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM -trao đổi với thiếu nhi.

Phát biểu kết thúc buổi trao đổi, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM - bày tỏ niềm tự hào về những công dân tuổi nhỏ những có những suy nghĩ lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong mong muốn có nhiều chương trình đưa học sinh đến tham quan bảo tàng miễn phí. Cùng với đó, ông Nguyễn Thành Phong khuyên thiếu nhi hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, đây chỉ nên là phương tiện để trao đổi thông tin, trao đổi việc học tập lẫn nhau chứ không nên lạm dụng.

“Các cháu cần đọc thêm nhiều sách lịch sử để hiểu thêm về cha ông, về dân tộc ta. Thời gian rảnh rỗi nên phụ giúp gia đình những việc vừa sức và tham gia các phong trào của Đội. Chính điều này sẽ hình thành lẽ sống tốt đẹp trong mỗi người” – ông Nguyễn Thành Phong nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn