MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn thu nghìn tỉ đồng của nhiều trường đại học, trái với các nước phát triển về giáo dục

Vân Trang LDO | 09/08/2023 16:11

Cả nước có một số trường đại học có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, có cả trường công lập và trường tư thục.

Theo báo cáo ở "ba công khai" và đề án tuyển sinh năm 2023 các trường đại học đã công bố, bên cạnh chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm… những thông tin về chi phí đào tạo và doanh thu hợp pháp của trường ở năm trước liền kề năm tuyển sinh cũng được nhiều trường thông tin cụ thể.

Theo báo cáo của các trường, doanh thu trung bình mỗi năm được tính từ học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ nguồn thu hợp pháp khác…

Nhiều trường đại học có doanh thu 1.000 tỉ đồng. Ảnh: Phan Liên

Năm 2022, Trường Đại học Văn Lang có nguồn thu 1.758 tỉ đồng. Đối với chương trình đào tạo tiêu chuẩn, mức học phí của trường này dự kiến dao động trong khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành. Đối với ngành Răng Hàm Mặt, mức học phí dự kiến từ 85 - 98 triệu đồng/học kỳ trong năm 2023.

Những con số trên được đưa ra tại đề án tuyển sinh đại học năm 2023 của nhà trường.

Còn theo đề án tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM có tổng nguồn thu hợp pháp năm 2022 là 1.189 tỉ đồng/năm. Tổng chi phí đào tạo cho một sinh viên dự tính khoảng 30 triệu đồng/năm/em.

Theo báo cáo thường niên của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021, tổng thu của trường là gần 1.426 tỉ đồng. Trong đó, học phí từ đào tạo đại học là hơn 775,8 tỉ đồng, chiếm khoảng 54,4% tổng nguồn thu.

Ngoài ra, trường nhận ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học, ngân sách cấp theo dự án nâng cao năng lực đại học (SAHEP), thu từ các đề tài nghiên cứu khoa học. Phần còn lại đến từ việc khai thác cơ sở vật chất và dịch vụ, các khoản học phí, lệ phí và dịch vụ đào tạo khác.

Theo nhiều chuyên gia, có ba nguồn thu chính của các trường đại học bao gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, kêu gọi mạnh thường quân, hợp tác công tư...).

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, học phí là nguồn thu chính của các trường đại học hiện nay, chiếm tỉ trọng 50 - 90% nguồn thu.

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, điều này trái với tình hình thực tế tại các nước phát triển về giáo dục đại học.

"Với các trường đại học công lập, nguồn thu, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần" - TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chia sẻ với Lao Động.

Tính đến tháng 8.2022, cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn đầu tư từ ngân sách. Việc cắt giảm đầu tư từ ngân sách khiến học phí trở thành nguồn thu chính, chiếm từ 50 - 90% tổng nguồn thu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn