MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Theo Zing.vn

Nguy cơ nhiều tiến sĩ chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển việc

HUYÊN NGUYỄN (thực hiện) LDO | 11/11/2017 12:30

Đây là cảnh báo của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM trước thực tế nhiều tiến sĩ, sau khi được cử đi đào tạo đã chấp nhận bồi thường một khoản tiền rất lớn để được chuyển việc.

Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục với tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng, trong đó, có mục tiêu đào tạo thêm khoảng 9.000 tiến sĩ. Ông đánh giá như thế nào về tính cần thiết của đề án này?

- Nhiều người vẫn nghĩ ở nước ta đang có nhiều tiến sĩ nhưng thực tế không phải. Số lượng tiến sĩ cũng tập trung nhiều hơn ở các cơ quan nhà nước. Giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục không nhiều, đặc biệt so với thế giới thì chúng ta đang thua xa. Chỉ các trường tốp đầu như ĐH QGHN, ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách Khoa… mới đạt tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 40-45%, tương đương tỉ lệ tại một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng thể, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 23%.

Thậm chí tại nhiều trường, số tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay. Có một số khoa, bộ môn đặc thù như khoa giáo dục thể chất, khoa giáo dục mầm non, khoa giáo dục tiểu học, bộ môn nghệ thuật, bộ môn ngoại ngữ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ rất thấp, một số nơi không có tiến sĩ.

Muốn công tác nghiên cứu, giảng dạy có hiệu quả thì cần thiết nâng cao số lượng tiến sĩ lên ít nhất phải đạt khoảng 30 – 40%. Con số 9.000 tiến sĩ và 12.000 tỉ đồng nếu nghe tổng thì có vẻ to nhưng chia bình quân ra cả nghìn trường thì không nhiều. Vấn đề là mình cần tổ chức như thế nào cho hiệu quả.

Hiện có nhiều tiến sĩ chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển việc. Theo ông, đâu là lí do?

- Thường có các khó khăn với những giảng viên khi học ở nước ngoài về đó là môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu và thu nhập. Vì thế, để “níu chân”, đồng thời phát huy hiệu quả nhân lực thì cần chú trọng đến các giải pháp đồng bộ, điều kiện để các tiến sĩ sau khi về nước có môi trường và điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, phát triển.

Như trường hợp tại trường tôi, khi TS Nguyễn Bá Hải - nhà khoa học nổi tiếng với chiếc kính "mắt thần" chỉ đường cho người khiếm thị - sau khi chuẩn bị hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại nước ngoài, nhà trường phải có sự trao đổi với thầy Hải về những yêu cầu cần thiết để khi về nước, thầy Hải tiếp tục nghiên cứu.

Ngoài ra, cần chú trọng đến nâng cao mức lương chứ trung bình lương tiến sĩ 5 – 7 triệu đồng thì nhiều người chấp nhận bồi thường để chuyển việc.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn