MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2018: Thí sinh phải chọn nghề trước khi chọn trường

Phan Anh - Đỗ Phương LDO | 15/07/2018 18:31

Được đăng kí nhiều nguyện vọng, điều chỉnh và bổ sung số lượng nguyện vọng sau khi có điểm thi, nhưng nhiều bậc phụ huynh và thí sinh lại thêm băn khoăn, lo lắng khi ưu tiên ngành nào, trường nào trước.

Giải đáp những thắc mắc của thí sinh và phụ huynh, TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng: “Trước khi muốn chọn trường thí sinh hãy chọn nghề, chọn nghề trước rồi hãy chọn trường. Và để chọn được nghề thì phải mô tả được năng lực bản thân xem mình có năng lực, sở trường, thế mạnh của mình là gì, thích gì, đam mê điều gì? Ngoài ra cũng nên mô tả để biết những hạn chế của mình.

Ví dụ có những người rất sợ điện thì không nên học điện. Dù điểm thấp nhưng thí sinh không nên lo vì thế mà mình không thể thành công. Dù điểm thấp nhưng nếu chịu khó, đam mê với nghề nghiệp mong muốn thì vẫn có thể thành công”.

PGS-TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn cho thí sinh và phụ huynh trong ngày hội xét tuyển.

Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Trong những hoàn cảnh nhất định, ai cũng có thể mất phương hướng. Vậy thì cần phải dựa vào đâu?

Ngay cả có những em trúng tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng sau này tôi hỏi, nhiều em cũng chỉ chọn theo phong trào. Để đến khi vào trường mới nhận ra ngành mình yêu thích không phải ngành đó, dù mình thủ điểm và thừa sức vào ngành khác. Vì vậy thí sinh phải hết sức cân nhắc.

Việc có những em đặt câu hỏi rằng đạt 24 điểm nhưng mất phương hướng và không biết chọn ngành nào là chuyện cần phải tư vấn rất sâu, thậm chí ở nước ngoài nếu không xác định được hướng thi, có những người bỏ ra cả một năm không làm gì để định hướng lại cho mình”.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác Sinh viên (ĐHQG-TPHCM) chia sẻ: “Chủ trương không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh là chủ trương “mở” của ngành giáo dục để thí sinh chọn được hướng đi tốt nhất cho bản thân mình.

Tốt nhất ở đây vừa phù hợp với sở thích nghề nghiệp, với hoàn cảnh gia đình và với sức học của bản thân. Đại học luôn là ước mơ chính đáng của học trò, nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Với sự liên thông giữa các ngành học, bậc học, thí sinh có thể chọn các ngành học mình yêu thích ở các trường khác nhau hoặc ngành học gần và tùy theo kết quả thi mà chọn bậc học phù hợp.

Những bạn điểm số thấp nên tìm hiểu thêm các ngành học ở trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Thành công hay thất bại không phụ thuộc vào bạn học gì mà là học được gì, có thể làm gì, và biết làm gì”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn