MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Ảnh: Trọng Bảo

Nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp - một giấy phép con không cần thiết

Trà My LDO | 25/01/2024 07:48

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây như một giấy phép con, vô lý và không cần thiết.

Cần hiểu đúng về chứng chỉ hành nghề

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công bày tỏ quan điểm không đồng ý với đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Để làm rõ quan điểm của mình, TS Vũ Việt Anh cho rằng, trước tiên, cần hiểu và phân biệt khái niệm chứng nhận nghề nghiệp và chứng chỉ hành nghề.

Theo đó, chứng chỉ hành nghề không phải là một giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn của người hành nghề. Bởi lẽ, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo quốc gia (trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học, sau đại học) và cả những người đã hành nghề lâu năm, không có vi phạm pháp luật.

"Bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo (trừ trường hợp bằng giả và bằng thật nhưng học giả) và quá trình công tác mới là chứng chỉ xác nhận trình độ chuyên môn của người hành nghề. Chứng chỉ hành nghề chỉ là một trong những công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề - TS Việt Anh cho hay.

Chứng chỉ hành nghề cũng là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình. Với quan niệm như trên, việc cấp chứng chỉ hành nghề ở các nước phát triển khá đơn giản.

Cùng với đó, TS Việt Anh cũng chỉ ra, chứng chỉ hành nghề thường có thời hạn ngắn từ 1-3 năm tùy theo thâm niên của người hành nghề. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và hằng năm phải tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực hành nghề. Nếu vi phạm một trong những quy định đó có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc không được cấp lại và sẽ không được tiếp tục hành nghề.

"Ở nước ta đã có sự nhầm lẫn về chứng chỉ hành nghề với trình độ chuyên môn, tốt nghiệp một lĩnh vực nào đó là chuyên môn, nhưng với một số những ngành nghề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, cần đến đạo đức nghề nghiệp và một số yêu cầu về điều kiện hành nghề thì cần phải có chứng chỉ bổ sung. Như vậy nghề giáo không phải là ngành nghề duy nhất cần chứng chỉ" - TS Việt Anh khẳng định.

Giấy phép con không cần thiết, thiếu thực tế

Thầy Thái Hạo - chuyên gia lĩnh vực giáo dục cho rằng, đây là một loại giấy phép con thừa thãi và không thực tế.

"Tôi nói thừa vì giáo viên ra trường đã có bằng sư phạm do trường đại học cấp. Các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chứng nhận chức danh nghề nghiệp và bao nhiêu những đánh giá xếp loại cùng thi đua hằng năm đang làm bù đầu, rối tóc hàng triệu giáo viên cả nước suốt bao nhiêu năm qua.

Còn nói không thực tế là vì bắt chước các nước tiên tiến một cách máy móc, hình thức. Ví dụ như Mỹ, người muốn đi dạy phải có giấy phép hành nghề giáo viên nhưng giấy này do hội nghề nghiệp cấp, không liên quan gì Nhà nước" - thầy Thái Hạo nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, theo thầy Thái Hạo, nếu như có 1 đơn vị độc lập đứng ra cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên thì họ vừa phải chịu trách nhiệm trước xã hội về hội viên của mình vừa phải đứng ra bảo vệ đội ngũ nhà giáo.

TS Việt Anh đưa ra nhận định, ngoài vấn đề cần hiểu đúng về chứng chỉ hành nghề, trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, có nhiều giá trị đã thay đổi, nghề giáo là một trong những ngành nghề ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy rất cần bổ sung những yêu cầu về kỹ năng, thái độ, điều kiện giảng dạy để nghề giáo bắt nhịp được với sự phát triển của nhân loại là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

"Tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát gắt gao để việc cấp chứng chỉ hành nghề không phải là một việc gây khó khăn cho giáo viên và tạo điều kiện cho tham nhũng, cửa quyền hoành hành - TS Việt Anh thẳng thắn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn