MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận định đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: Nhiều câu "hóc búa", thí sinh khó tìm đáp án

Đặng Chung - Khánh Linh LDO | 26/06/2018 13:32

Sáng 26.6, 341.570 thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học). Đề thi năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao, rất ít thí sinh đạt được điểm 10 các môn thi.

Nhận định môn Sinh học: Lấy điểm 10 khó "như lên trời"

Thầy giáo Đặng Hùng Dũng – giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) - cho biết: "Đề thi năm nay rất hay, mức độ phân hóa cao, các câu hỏi trong đề thi có mức độ khó tăng dần. 

Đề thi không mang tính hàn lâm mà cần có cả kiến thức về lý thuyết, thực hành và vận dụng trong cuộc sống. Với đề này, học sinh ở mức độ trung bình, chỉ xét tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm theo nguyện vọng, phổ điểm 4-6 sẽ nhiều; còn học sinh muốn đỗ đại học phải học nghiêm túc, điểm 9-10 năm nay sẽ không nhiều".

Thầy giáo Nguyễn Thành Công (hocmai.vn) cho rằng, để bài này đặt áp lực thời gian rất lớn lên thí sinh. "Có tới 20 câu hỏi đếm ở mã đề [214], dẫn đến việc nén kiến thức vào trong một câu hỏi hay một đề ở mức độ cao, khiến áp lực thời gian đè nặng lên thí sinh. Thí sinh phải thật bản lĩnh mới có thể vượt qua đề thi.

Với đề này, đỉnh của phân bố điểm sẽ nằm ở khoảng điểm 5 điểm, điểm 10 sẽ ít hơn năm trước".

Nhận định môn Vật lý: Mức độ phân loại phụ thuộc tốc độ tính toán

Thầy giáo Nguyễn Hoài Anh - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết: Đề Vật lí năm nay không đánh đố học sinh, không có kiến thức lạ. Kiến thức nằm trong chương trình phổ thông (lớp 11 chiếm 20%; lớp 12 chiếm 80%), số lượng câu vận dụng cao (câu khó) khoảng 3 câu (điện xoay chiều, dao động cơ, sóng cơ). 

"Mức độ phân hoá phụ thuộc vào tốc độ làm bài của học sinh là chính, vì các câu đều có hiện tượng vật lí quen thuộc, chủ yếu đòi tính toán dài. Do đó, khả năng để có thể làm hết đề là rất khó" - thầy Hoài Anh bày tỏ.

"Tôi thích đề có hiện tượng vật lí khó, tính toán vừa phải, phân loại học sinh bằng vật lí chứ không phải bằng tốc độ tính toán. Và có thể cần nhiều câu hỏi khai thác lí thuyết ở trình độ cao hơn, nhiều câu hỏi liên quan tới thực tế hơn".

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - giáo Trường THPT Trần Phú, Hà Nội - đồng tình: "Phổ điểm lực học trung bình thí sinh dễ dàng đạt từ 5 - 6 điểm, mức 7 - 8 đòi hỏi học sinh ngoài kiến thức cơ bản ra còn phải tính toán nhanh, mức điểm 9 -10 hiếm, sẽ không có nhiều học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối".

Nhận định môn Hóa học: Độ khó tăng nhiều so với năm ngoái

Ngay sau khi kết thúc môn thi, cô Vũ Thị Phương Quế - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội - đã đưa nhận xét về đề thi Hóa học (mã đề 209): "Đề có tính phân loại tốt, đáp ứng yêu cầu vừa để xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. 

Ấn tượng với đề thi là kiến thức được phủ đều, cân đối giữa câu hỏi lý thuyết và bài tập, có một số câu liên hệ thực tế và thực hành hóa học. So với đề năm ngoái, độ khó tăng hơn, cách ra đề hay hơn. Học sinh thi, để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp, đạt 5 điểm không khó.

Để đạt điểm 8 - 8,5, những học sinh có kiến thức hóa học chắc chắn, chăm chỉ dễ đạt được. Tuy nhiên, để đạt đến điểm 9-10, ngoài kiến thức chắc chắn, đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng làm bài rất tốt, phản ứng nhanh".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn