MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn. Ảnh: M.Q

Nhận thù lao hằng tháng từ nhà xuất bản, Giám đốc Sở GDĐT nói gì?

M.Quân LDO | 08/12/2019 14:04

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh cho rằng khi làm bất cứ một bộ sách hay sản phẩm nào, đều phải có nhuận bút hay thù lao bồi dưỡng cho những người thực hiện.

Ngày 8.12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17, HĐND TP.Hồ Chí Minh khóa IX, Giám đốc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn đã thông tin đến các đại biểu về việc lãnh đạo Sở GDĐT nhận thù lao hằng tháng từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để phối hợp biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Lê Hồng Sơn, khi làm bất cứ một bộ sách hay sản phẩm nào thì đều phải có nhuận bút hay thù lao bồi dưỡng cho những người thực hiện. “Trong quy chế nội bộ của Nhà xuất bản phải có phần này. Nếu không có thì không ai làm cho họ” – ông Sơn nói.

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh cho rằng phí bồi dưỡng, thù lao gộp nhiều năm lại thì thấy lớn nhưng không là gì so với tâm huyết, chất xám mà các cá nhân tham gia làm sách đã bỏ ra.

“Việc phối hợp cùng Nhà xuất bản làm sách giáo khoa chỉ vì mục đích tạo ra một sản phẩm tốt nhất cho học sinh, vì mục đích giáo dục phổ thông mới” – ông Lê Hồng Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là người làm kinh doanh. Khi họ không có đủ nhân lực thì họ cần hợp tác với các chuyên gia để cho ra sản phẩm. Còn đối với Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh, khi hợp tác với Nhà xuất bản thì có lợi thế là định hướng được khung, mục tiêu, giá trị trong từng môn học rồi tích hợp các môn học với nhau.

"Chúng tôi là những con người chuyên môn, tham gia vào chuyên môn. Chúng tôi cùng ráp lại với nhau, cùng ngồi lại với Nhà xuất bản thực hiện công việc đó để cho ra một sản phẩm có chất lượng" – ông Sơn - trần tình.

Về ý kiến lãnh đạo Sở GDĐT nhận tiền từ Nhà xuất bản thì làm sao chỉ đạo cho các đơn vị lựa chọn sách giáo khoa một cách khách quan?, ông Lê Hồng Sơn cho rằng việc lựa chọn sách giáo khoa là một câu chuyện đầy đủ cơ chế từ trên xuống dưới chứ không có chuyện ép buộc để chọn một bộ sách giáo khoa nào.

“Theo cơ chế, Bộ GDĐT giao cho UBND thành phố chủ trì để chọn ra; UBND thành phố đề nghị Sở GDĐT tham mưu. Ngoài ra, thành phần tham gia chọn sách còn có các thành viên, chuyên gia đến từ những người giảng dạy, kể cả phụ huynh” – ông Sơn – giải thích.

Thời gian qua, để chuẩn bị cho chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, các nhà xuất bản cũng tập hợp đội ngũ chuyên gia để biên soạn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng Ban chỉ đạo Sách giáo khoa từ rất sớm.

Từ năm 2015 (năm 2018 Bộ GDĐT mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới) đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bỏ tiền để chi trả thù lao cho các thành viên trong ban soạn thảo bộ sách giáo khoa miền Nam. 

Trong danh sách những người được chi trả thù lao có 11 người là giám đốc, phó giám đốc sở, cùng chánh văn phòng, phó văn phòng, các trưởng, phó phòng chuyên môn của Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh. Mức chi dao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng.

Bộ sách được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc ký ngày 25.9.2015 giữa Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn