MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc ngành Giáo dục không có biên chế nhân viên thư viện cho các nhà trường phổ thông đã kéo theo nhiều bất cập. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Nhân viên thư viện trường học làm nhiều việc lương vẫn không đủ sống

Bích Hà LDO | 21/11/2023 06:00

Hiện nay, nhiều nhân viên thư viện trường học đã phải nghỉ việc vì lương không đủ sống, nguyên nhân là cách tính lương chưa tương xứng với đóng góp của họ.

Lương thấp không nuôi nổi bản thân

Ngoài thực hiện các công việc chuyên môn của thư viện như: Bảo quản, xử lý sách mới đúng quy trình, cho giáo viên, học sinh mượn trả theo lịch, các nhân viên thư viện còn phải thực hiện các công việc của một giáo viên như lên kế hoạch bài dạy và dạy tích hợp giáo dục kĩ năng sống, giáo dục đạo đức trong các tiết chào cờ, tổ chức các hoạt động đọc tại lớp, tại phòng đọc của trường, tại các điểm thư viện ngoài sân trường vào giờ ra chơi...

Theo cô Phạm Thị Chiêm - Thư viện trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, với rất nhiều công việc nhưng nhân viên thư viện hiện chưa được hưởng bất kì loại phụ cấp nào theo các quy định của bộ, ngành, trong đó có phụ cấp nghề độc hại 0,2 và phụ cấp bằng hiện vật.

“Từ xưa đến nay, chúng tôi vẫn luôn bị đối xử như con ghẻ của ngành Giáo dục, con nuôi của ngành Văn hóa. Chúng tôi chơi vơi và bị bỏ rơi giữa các thông tư, các quyết định của cả hai ngành. Như thế có quá bất công với chúng tôi hay không? Nhiều bạn đã 17 năm công tác, lương mới được hưởng 5.280.000 đồng, bạn ít hơn 12 năm thì được 3.800.000 đồng một tháng, với số tiền ít ỏi như vậy liệu có đủ nuôi sống bản thân?” - cô Phạm Thị Chiêm chia sẻ.

Hiện nay, do tình trạng lương thấp, nhiều công việc của các cô không được tính vào lương, vì thế đã có nhiều giáo viên thư viện bỏ việc.

Gặp gỡ cô Lê Thị Ngọc - huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) người đã bỏ nghề đầu năm 2023 để tìm cho mình một công việc mới, tâm sự: “Hàng ngày, tôi đi từ Vĩnh Lộc lên Ngọc Lặc và trở về tầm 50 cây số hết khoảng 3 tiếng đồng hồ, chưa kể những hôm trời mưa, rét mà lương chưa được 5 triệu. Thời gian ở trường và di chuyển trên đường gần như hết nguyên ngày, không có thời gian làm thêm hay chăn nuôi gì được cả”.

Theo cô Ngọc, 10 năm về trước cũng đã ý định xin nghỉ việc nhưng rồi bố mẹ động viên, lại tiếc công ăn học, thêm những năm thanh xuân cống hiến với nghề nên đành cố gắng tiêu pha dè xẻn bằng những đồng lương ít ỏi. Nhưng đầu năm nay 2023 thì sức đã cạn.

“Cầm tờ đơn mà lòng nặng trĩu, buồn lắm, xót lắm 18 năm cống hiến bao tâm huyết, thanh xuân dành trọn cho nghề vậy mà đành bỏ giữa chừng ...” - cô Ngọc chia sẻ trong buồn tủi.

Việc nghỉ việc để tìm cho mình một công việc mới phù hợp hơn không phải là chuyện riêng lẻ. Trong nhiều năm lại đây, nhân viên thư viện bỏ việc đã trở thành một xu thế.

Nhân viên thư viện trường học làm việc như những giáo viên nhưng lại không được hưởng phụ cấp, chế độ. Ảnh: NVCC

Nhiều bất cập trong cách tính lương

Theo Thông tư số 20/2023 của Bộ GDĐT ngày 30.10.2023 Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, theo đó, nhân viên thư viện được tính trả lương và phụ cấp cho người làm công tác thư viện hưởng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng lại thực hiện tiết đọc thư viện như một giáo viên. Vì vậy, họ vừa là viên chức vừa là giáo viên đứng lớp.

Mặt khác theo Quyết định 61/1998 và Thông tư 16/2022 của Bộ GDĐT khẳng định nhân viên thư viện trường học là giáo viên thư viện dạy tiết đọc thư viện và phụ trách mảng thư viện... vì thế đề xuất được hưởng đứng lớp và các phụ cấp độc hại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quy định là vậy, nhưng đến nay đội ngũ làm thư viện trường học vẫn chưa được hưởng những quyền lợi này.

Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên thư viện cho rằng, vị trí việc làm hiện nay chưa đầy đủ, chưa đảm bảo hết được những công việc mà họ đang phải làm, chưa tạo điều kiện cho người làm thư viện được xét hạng cao hơn - như hạng II và hạng III.

“Nhân viên thư viện đa phần hạng IV, thậm chí còn có tỉnh chưa được thăng hạng. Nên chúng tôi tha thiết đề nghị các ban ngành xét cho bộ phận Thư viện trên cả nước được thăng hạng đồng đều trên toàn quốc. Tạo điều kiện cho chúng tôi được thăng hạng các hạng từ IV, III và đặc biệt hạng II, để mức lương và hệ số lương chúng tôi cao hơn, đảm bảo cuộc sống hơn” - một nhân viên thư viện trao đổi.

Ngoài ra, cần phải có quy định bằng văn bản về việc kiêm nhiệm và bố trí biên chế cho các nhân viên thư viện trường học. Mỗi chức danh vị trí việc làm kiêm nhiệm bao nhiêu nhiệm vụ và trả phụ cấp như thế nào?

Trong ngành Giáo dục, nhân viên thư viện cũng được gọi là thầy cô, cũng thực hiện tiết đọc thư viện, cũng lên lớp, cũng soạn giảng như một giáo viên nhưng vị trí việc làm là nhân viên và không hưởng được bất cứ phụ cấp nào ngoài lương... là một bất cập.

Hiện đang có tình trạng thiếu nhân viên thư viện trong các trường học dẫn đến việc các phòng giáo dục phải điều động, thuyên chuyển một nhân viên thư viện phải đi làm thư viện chuẩn cho các trường khác rất vất vả.

Ngoài ra, có những người xa nhà, xa trường đi lại khá khó khăn cũng bị điều động đến làm chuẩn cho thư viện trường khác. Đó chính là bất cập của ngành Giáo dục khi không có biên chế nhân viên thư viện cho các nhà trường phổ thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn